Bình Thuận triển khai kế hoạch giải cứu thanh long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký công văn gởi các sở ngành liên quan và Bộ NN&PTNT về việc triển khai tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Theo đó UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thông tin tình hình tiêu thụ nông sản (đặc biệt đối với thanh long); tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Người dân chặt bỏ trái thanh long do giá quá thấp. Ảnh: Phương Nam

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường kết nối, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ … đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu.

Một hộ dân thuê cơ giới phá bỏ vườn thanh long.

Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc để cung cấp cho doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu, lối mở phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu, lối mở.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ.

Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Triển khai thực hiện tốt Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long” - Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ khai thác chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết đã đăng ký trong và ngoài nước.

Các Hiệp hội Thanh long, Thủy sản tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh và của các địa phương.

Thanh long chặt bỏ khắp nơi.

Được biết hiện nay tình hình tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận vô cùng ảm đạm, nhiều nhà vườn đã phá bỏ thanh long vì giá xuống tận đáy, có khi chỉ bán với giá 1000-2000 đồng/kg. Trong khi đó, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn thông quan theo kiểu nhỏ giọt.

Theo báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn cập nhật đến 20h00 ngày 17-3, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị không xuất khẩu được xe nào và tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 427 xe.

Tại cửa khẩu song phương Chi Ma từ ngày 15-3 đã tạm dừng thông quan hàng hóa do phía huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc đang đánh giá mức độ nguy hiểm trong công tác phòng, chống dịch.

Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh thông quan, xuất khẩu được 74 xe (70 xe hoa quả). Từ 20h00 ngày 16-3 đến 20h00 ngày 17-3, tổng số phương tiện quay đầu về nội địa là 16 xe (thanh long, dưa hấu) và tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 697 xe.

Tại ba khu vực cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tổng lượng xe chờ xuất khẩu là 1.130 xe. Trong đó lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 773 xe, chiếm khoảng 68% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm