Bộ cho lấy cát, quận 9 “kêu trời”

Nạn khai thác cát lậu vừa lắng xuống, người dân ở điểm nóng về sạt lở trên sông Tắc (ấp Long Đại, phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) lại giận run khi thấy sáu, bảy chiếc xáng cạp kéo đến ngã ba sông để nạo vét cát. “Họ đã nạo vét từ đầu tháng 2 đến giờ. Lúc đầu bà con định kéo ra bắt trói giao cho công an xử lý nhưng hỏi ra mới biết họ được Bộ GTVT cấp phép nên không ai dám làm gì” - một người dân địa phương bức xúc.

Tận thu 4.000 m3 cát/ngày

Từ phản ánh của người dân, ngày 16-3-2012, UBND quận 9 đã lập đoàn kiểm tra, lập biên bản, ghi nhận tại ngã ba sông Tắc đến sáu cần cạp đang nạo vét lòng sông với công suất khai thác cát tận thu đến 500 m3 cát/chiếc/ngày. Theo đó, tổng lượng cát nạo vét hằng ngày ước tính từ 3.500 đến 4.000 m3. Số cát tận thu được đơn vị nạo vét là Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư Phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) bán ra ngoài với giá 60.00-80.000 đồng/m3. Công ty Hiệp Phước cho biết việc nạo vét và tận thu cát được Bộ GTVT cho phép. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũng đã được Bộ TN&MT phê duyệt.

Việc nạo vét gần khu vực sạt lở khiến người dân địa phương rất lo lắng. Ảnh: TRUNG THANH

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi họ (đơn vị nạo vét) lại có được giấy phép của Bộ. Ai cũng biết ngã ba sông Tắc là điểm nóng về sạt lở. Chính vì thế mà mấy năm nay quận 9 đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức để dẹp nạn khai thác cát lậu. Giờ tình trạng khai khác cát chui bằng ghe thuyền nhỏ vừa tạm lắng xuống thì lại có đơn vị được cấp phép nạo vét, tận thu cát với số lượng khổng lồ” - một cán bộ Phòng TN&MT quận 9 ngao ngán.

UBND phường Long Phước cho biết thêm, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, gây sạt lở trên sông Tắc, từ đầu năm 2011 đến nay phường đã ban hành 54 quyết định tịch thu tang vật (ghe thuyền) sử dụng để khai thác cát. Ngoài ra, phường cũng xử phạt 30 trường hợp chở cát trên sông không có chứng từ.

Không cần thiết nạo vét?

Ngày 21-3, trong văn bản báo cáo gửi UBND TP.HCM, UBND quận 9 cho biết Công ty Hiệp Phước đã nạo vét và tận thu cát từ đầu tháng 2 đến nay nhưng không có văn bản báo cáo cho UBND quận biết để giám sát. UBND quận 9 cũng khẳng định những năm gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép với quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn quận diễn biến rất phức tạp có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại phường Phước Long đã có hơn 9 ha đất ven sông Tắc bị sạt lở. Thế nhưng Bộ GTVT lại cho phép Công ty Hiệp Phước thực hiện dự án “Nạo vét và nâng cấp tuyến luồng đường thủy sông Đồng Nai để phục vụ giao thông đường thủy và tiêu thoát lũ thuộc tỉnh Đồng Nai và TP.HCM” trong khi dự án không thật sự cần thiết.

Theo UBND quận 9, Công ty Hiệp Phước được nạo vét sông đoạn từ rạch Ông Nhiêu (quận 9) đến cầu Đồng Nai với chiều dài 28,5 km, độ sâu tối đa là 10 m. Song theo hiện trạng địa hình đáy sông, đoạn từ cửa sông Tắc xuôi về hạ nguồn sông Đồng Nai đến cửa rạch Ông Nhiêu đã có độ sâu trung bình 10-12 m, sâu hơn độ sâu theo thiết kế nạo vét của dự án. Ngoài ra, theo phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, các cảng thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai quy mô tàu có trọng tải chỉ đến 5.000 tấn. Do đó việc thiết kế luồng cho tàu có tải trọng 10.000 tấn (tương ứng với độ sâu 10 m) như dự án nạo vét đang thực hiện là không thuyết phục.

Vì thế, UBND quận 9 kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Hiệp Phước. Qua đó, tránh tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đồng Nai cũng lo ngại

Ngày 4-4, trao đổi với PV báoPháp Luật TP.HCM, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cho biết liên quan đế việc nạo vét ở ngã ba sông Tắc - sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT bày tỏ lo ngại về nguy cơ sạt lở bờ sông. Sau đó Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp và giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án, đảm bảo thực hiện đúng ĐTM cũng như các quy định khác. Về việc khai thác cát, theo Bộ GTVT, Công ty Hiệp Phước được phép tận thu cát để lấy tiền thực hiện dự án nạo vét.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới