Sáng 23-7, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 (phòng, chống tội phạm) và 389 (phòng, chống buôn lậu).
Chú trọng tội phạm người nước ngoài
Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết sáu tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 23.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên theo ông Vương, tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là bảo kê, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.
Cạnh đó, tội phạm giết người tuy giảm song xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, mất nhân tính… Đáng chú ý, tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai…, với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng không gian mạng. Tình trạng chống người thi hành công vụ, trộm cắp, lừa đảo, tổ chức đánh bạc… có xu hướng gia tăng.
Về công tác trong thời gian tới, ông Vương cho biết Bộ Công an sẽ mở cao điểm đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm, bảo vệ đại hội Đảng các cấp, Đại hội XIII của Đảng, dịp 2-9 và dịp tết Nguyên đán. Đồng thời, chỉ đạo triển khai có hiệu quả và tổ chức tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt - Trung…
Cũng tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, lưu ý trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng thì chắc chắn tỉ lệ người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội ở Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Ông Tô Lâm thông tin trong năm năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 900 vụ với hơn 1.800 người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam, trong đó đã khởi tố hơn 730 vụ, hơn 1.030 người nước ngoài…
“Chúng tôi thấy sau dịch COVID-19, tình hình tội phạm người nước ngoài sẽ phức tạp. Vì vậy, cần hết sức chú trọng đến vấn đề tội phạm, vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam” - ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Công an TP.HCM trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm từ ngày 15-7 đến 14-9. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình điểm lại những thành tích nổi bật đạt được sáu tháng đầu năm. Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công. Đồng thời, đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, đề cao tính thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm.
Thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, yếu kém, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, hàng giả… hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.
“Các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” - Phó Thủ tướng lưu ý.
TP.HCM: Bạo lực tập thể trong thanh thiếu niên gia tăng Phát biểu tại hội nghị, đại diện đến từ TP.HCM cho hay tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP sáu tháng đầu năm tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm, ghi nhận xảy ra hơn 1.970 vụ, giảm 36 vụ so với cùng kỳ. Trong đó các án xâm phạm nhân thân, sức khỏe như giết người, cố ý gây thương tích và các vụ án xâm phạm tài sản như cướp, cướp giật được kéo giảm. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung tình hình các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp về tính chất manh động, táo bạo và độ tuổi trẻ hơn. Đại diện TP.HCM cho hay về các giải pháp, TP chú trọng, thực hiện có hiệu quả giải pháp phòng ngừa xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh trong nội bộ nhân dân để hạn chế những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm… |