Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu cho thị trường không thiếu. Ngược lại, các nhà kinh doanh mặt hàng này cho rằng việc thiếu xăng dầu là có thật và nguy cơ các cửa hàng đóng cửa đang gia tăng vì càng bán càng lỗ nên không dám nhập xăng.
“Dọa” nghỉ bán xăng vì lỗ
Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) cho biết những ngày gần đây, giá dầu thế giới liên tục tăng nhanh nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu bán ra thị trường. Tại An Giang và một số địa phương lân cận đã có hiện tượng đóng cửa hàng do đứt nguồn cung cục bộ, nên nhu cầu tiêu dùng đã và đang đổ dồn về hệ thống Petrolimex, Petrolimex An Giang.
Bộ Công Thương khẳng định từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung |
Để đảm bảo cho cửa hàng xăng dầu hoạt động xuyên suốt và ổn định thị trường, Công ty Xăng dầu An Giang cho rằng tất cả các đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn phải chung tay trong việc cung ứng nguồn cho hệ thống đại lý nhượng quyền thương mại của mình.
“Nếu tình hình nguồn không được kiểm soát tốt, tiếp tục cung ứng nhỏ giọt hoặc không cung ứng thì nguy cơ đóng cửa hàng trên diện rộng là có thể xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn” - đại diện công ty cảnh báo.
Đang rà soát chi phí
Từ tháng 2-2022, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ.
Sau đó, Bộ Tài chính cho biết đang triển khai rà soát chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Nhiều công ty xăng dầu khác cũng phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ, đặc biệt tại phía Nam. Một trong những lý do là kinh doanh xăng dầu lỗ nên có doanh nghiệp chấp nhận bị phạt chứ không dám nhập thêm để không tiếp tục bị lỗ nặng.
Đại diện một công ty phân phối xăng dầu ở TP.HCM cho biết hiện mức chiết khấu rất thấp, thậm chí bằng 0. Lý do giá cơ sở nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện nay nên dù có chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức nhưng cũng không đủ bù lỗ.
“Giá bán lẻ bị khống chế. Chẳng hạn, trong chu kỳ năm lần giảm giá liên tiếp vừa rồi, công ty đầu mối nhập từ Singapore với giá 30.000 đồng/lít, trên đường về giá giảm còn 25.000-27.000 đồng/lít thì lỗ vỡ mặt. Vì vậy có những đơn vị đầu mối thà bị phạt còn hơn ngậm lỗ một tàu mấy chục tỉ đồng. Cứ nói là lợi ích hài hòa nhưng hiện lợi ích của nhà kinh doanh xăng dầu đã bị bỏ qua” - doanh nghiệp này nêu ý kiến.
Vị lãnh đạo công ty xăng dầu này đặt vấn đề: “Trong kinh doanh xăng dầu, chuyện lời, lỗ là bình thường. Nhưng lỗ nhiều quá, phá sản thì kêu than ai? Các cửa hàng xăng dầu không thể trụ nổi, đóng cửa. Còn công ty đầu mối cũng sống dở chết dở. Các công ty nhà nước thì có Nhà nước bù, còn doanh nghiệp tư nhân lấy ai bù cho?”.
Kiến nghị hỗ trợ vốn, tính toán lại giá cơ sở
Để giải quyết bài toán nguồn cung thiếu hụt và chiết khấu quá thấp như hiện nay, theo ý kiến của doanh nghiệp, Nhà nước cần rà soát các chi phí, lợi nhuận định mức… trong kinh doanh xăng dầu để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Mức chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được áp dụng cố định từ lâu trong khi thị trường liên tục biến động mạnh, lạm phát và các chi phí đều tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.. nên không còn phù hợp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu, cửa hàng, đại lý không mặn mà bán hàng trong thời gian qua” - lãnh đạo một công ty xăng dầu nói.
Cũng theo vị lãnh đạo công ty này, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đầu mối bắt buộc phải có dự trữ tồn kho. Nhưng việc dự trữ trong tình trạng giá xăng dầu lên xuống thất thường, lỗ mấy chục tỉ đồng khiến nhà kinh doanh rất sợ. Bởi khi kinh doanh lỗ kéo dài, ngân hàng cũng không dám cho vay trong khi nhà cửa tài sản đã thế chấp, vậy tiền đâu nữa để nhập xăng dầu về.
“Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vay vốn, để nhà kinh doanh xăng dầu tiếp tục nhập hàng về. Mặt khác, điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lợi nhuận định mức. Một đại lý hiện giờ phải được mức chiết khấu 1.000 đồng/lít thì mới đủ hòa vốn, chứ không dư dả vì lương nhân công, chi phí điện nước, cửa hàng, hao hụt…” - vị lãnh đạo công ty kiến nghị.
Cần giải quyết ngay
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính, nhìn nhận thị trường xăng dầu vẫn chưa đi theo kinh tế thị trường. Việc chiết khấu giữa công ty đầu mối và kinh doanh bán lẻ có nhiều vấn đề. Đơn vị bán lẻ thường chịu thiệt hơn vì tương đối phụ thuộc vào đơn vị đầu mối.
Về giải pháp, ông cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính lại chi phí định mức, lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu. “Vì với mức giá sụt giảm như hiện nay thì các doanh nghiệp từ đầu mối, phân phối đến bán lẻ đều thua lỗ. Vì vậy cần có sự tính toán hợp lý để giúp họ có nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cho kinh doanh trôi chảy” - ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì lỗ là vấn đề nghiêm trọng. Nếu không giải quyết được tình trạng này, các nhà bán lẻ hay bán buôn đều gặp khó khăn và họ ngừng kinh doanh. Điều này sẽ lập tức ảnh hưởng ngay đến hoạt động của đời sống người dân, sự sản xuất của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp về điều hành xăng dầu ngày 26-8. Ảnh: Ảnh: BCT |
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Kêu thiếu xăng dầu là phi lý
Ngày 26-8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương, đơn vị về bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết mấy ngày gần đây xuất hiện thông tin cho rằng bị thiếu hụt nguồn cung bởi hai lý do.
Một là do một số doanh nghiệp vừa qua đã bị tước tạm thời giấy phép nhập khẩu xăng dầu (bảy công ty đầu mối bị rút giấy phép hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời gian 1-2 tháng vì vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật - PV). Lý do thứ hai là do chiết khấu bằng 0 nên không có nguồn và người bán lẻ, người kinh doanh thì càng bán càng lỗ.
Bộ trưởng cho rằng đây là điều hết sức không bình thường. Bởi vì giá xăng dầu, kể cả giá bán buôn và bán lẻ đang có xu hướng giảm. “Trong lúc giảm mà lại bảo thiếu nguồn cung. Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, Việt Nam thì giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới đang dồi dào, nguồn cung trong nước lúc này cũng không thiếu. Vậy nhưng lại có thông tin cho rằng đang đứt gãy nguồn cung thì hết sức phi lý…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm ngay từ tháng 4, bộ đã chủ động giao tăng thêm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những doanh nghiệp có khả năng nhập khẩu. Qua đó cung ứng đầy đủ cho sự thiếu hụt nguồn cung tại một số nhà máy lọc hóa dầu như Nghi Sơn, lượng tăng thêm lên tới 25%.
“Lượng dự trữ xăng dầu, cộng với nguồn cung ứng xăng dầu từ trong nước qua hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn… thì chúng ta khẳng định đến thời điểm này và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung. Nếu có thiếu nguồn cung thì rõ ràng đó là những hiện tượng không bình thường và cần phải xử lý” - Bộ trưởng Diên khẳng định.