Từ ngày 1-7, căn cước (trước đây là căn cước công dân - CCCD) được cấp theo mẫu mới quy định tại Luật Căn cước 2023 đã bỏ việc in dấu vân tay lên mặt thẻ, thay vào đó sẽ lưu trữ trong chip điện tử.
Theo nhiều công chứng viên (CCV), bỏ dấu vân tay trên thẻ căn cước khiến các CCV gặp khó khăn khi hành nghề.
Khó khăn trong xác định người yêu cầu công chứng
CCV Bùi Kim Trang (tại TP Phú Quốc) cho rằng khi hành nghề công chứng thì dấu vân tay trên CCCD là căn cứ quan trọng để xác định người giả.
Bà Trang nêu thực tế, khi thực hiện các bước công chứng, sau khi người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch, CCV sẽ tiến hành lăn tay. Lúc này, CCV sẽ kiểm tra dấu vân tay có trùng khớp với dấu vân tay trên CCCD hay không. Đây là một bước rất quan trọng để xác định có “giả” người hay không và ngược lại (giấy tờ giả).
Nói thêm CCV Bùi Kim Trang cho biết, việc xác định được chủ thể trực tiếp đến tham gia giao dịch hợp đồng có đúng là người trên giấy tờ hay không là một bước quan trọng, cần thực hiện kỹ lưỡng. Bởi đôi khi, trong trường hợp anh chị em bình thường nhìn đã giống nhau, có trường hợp là anh em sinh đôi, sinh ba rất khó phân biệt.
Quá trình hành nghề, bà Trang còn gặp cả trường hợp chị em phụ nữ làm đẹp, sửa mũi, sửa mắt nhìn rất khác so với hình trong căn cước. Lúc này việc đối chiếu lại dấu vân tay là một biện pháp hữu hiệu.
Nói về việc khi trên thẻ căn cước không còn in dấu vân tay thì CCV nên làm gì, bà Trang chia sẻ thực tế có những CCV phải “nhờ” người yêu cầu công chứng gửi bản sao CCCD có dấu vân tay trước đây hoặc đã từng giao dịch ở văn phòng thì bên văn phòng có thể lục hồ sơ lưu kho.
Trường hợp không có thì CCV được xác minh trong thời gian 10 ngày, nếu người yêu cầu công chứng đồng ý thì có thể xác minh bên công an. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Về lâu dài, bà Trang cho rằng biện pháp tốt nhất là ngành công an sẽ chia sẻ dữ liệu của công dân (có dấu vân tay) với bên công chứng để khi làm hồ sơ quét chíp là hiện đầy đủ hết thông tin của các chủ thể.
Cùng vấn đề, TS.CCV Ninh Thị Hiền (TP.HCM) cho rằng CCCD có chứa hình ảnh, dấu vân tay và đặc điểm nhân dạng (nốt ruồi, sẹo…) nên đối chiếu vân tay là một phương pháp CCV sử dụng để thực hiện việc xác thực danh tính người yêu cầu công chứng.
Vừa qua, có một số trường hợp khó khăn cho CCV khi CCCD có dấu vân tay bị nhòe, nhìn không rõ, lúc này CCV chỉ còn phương pháp là xác thực thông qua gương mặt và đặc điểm nhận dạng dẫn đến khó khăn khi nhận diện.
Do đó, khi cấp căn cước mẫu mới, chỉ có hình ảnh, không có dấu vân tay lẫn đặc điểm nhân dạng sẽ khiến cho CCV khó khăn trong việc xác thực danh tính người yêu cầu công chứng.
Khi đó, sẽ ít khó khăn hơn khi CCV được xác thực trực tiếp từ nguồn định danh của cơ quan có thẩm quyền.
“Nghị định 69/2024 (quy định về định danh và xác thực điện tử) đã quy định cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Việc này cho phép CCV được tiếp cận nguồn xác thực trực tiếp từ chứng cứ gốc sẽ tốt hơn việc xác thực gián tiếp như hiện nay”, bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, hiện nay, ngành công chứng đang phấn đấu xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin tối thiểu cấp độ 3 để đủ điều kiện để kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử theo Nghị định 69/2024 nêu trên.
Trong thời gian này, bà Hiền mong rằng, Bộ Công an sớm xác định những doanh nghiệp trong Công an nhân dân được phép cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và mức giá dịch vụ để các tổ chức hành nghề công chứng sớm tiếp cận được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Điều này nhằm đảm bảo vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp tính xác thực về danh tính người tham gia giao dịch trong hoạt động công chứng.
Khi có nghi ngờ người giả, nếu không đối chiếu dấu vân tay, CCV có thể tăng cường hỏi sâu về các thông tin của người yêu cầu công chứng như cha mẹ, địa chỉ, năm sinh... để xác minh. Nếu có những dấu hiệu bất thường có thể xác minh thêm bên công an.
Trưởng một phòng công chứng chia sẻ
Sử dụng trang thiết bị nhận dạng cá nhân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư Pháp TP.HCM, cho biết, sau khi Luật Căn cước 2023 được Quốc hội thông qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Công chứng viên TP tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các điểm mới của Luật Căn cước, lồng ghép nội dung về Căn cước trong các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm.
Nhằm phục vụ chuyển đổi số tại TP.HCM, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Công an TP mời Cục C06 - Bộ Công an “Tập huấn kỹ năng nhận diện giấy tờ giả trong 5 lĩnh vực thuộc hệ quản lý hành chính và ứng dụng các mô hình của Đề án 06 đối với các cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP” cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu công chứng điện tử tại TP.HCM; báo cáo UBND TP, Bộ Tư pháp cho phép chia sẻ, tra cứu Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để phục vụ cho hoạt động công chứng.
Với những khó khăn mà CCV đề cập, theo ông Băng, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án số hóa văn bản công chứng để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu công chứng điện tử.
Từ đó, giúp CCV tra cứu các cá nhân đã thực hiện công chứng. Đồng thời, phối hợp với Công an TP tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị nhận dạng cá nhân theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Còn theo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), công an TP.HCM, việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước là để đảm bảo tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ căn cước của công dân.
Ông Hải cho rằng, việc đối chiếu dấu vân tay trên căn cước bằng mắt thường là không chính xác. Trong khi đó, hiện nay có nhiều thiết bị hiện đại có thể đọc thông tin qua chip điện tử, mã QR trên thẻ căn cước để xác định chính xác các thông tin trong thẻ căn cước của công dân.
Cạnh đó, từ ngày 1-7-2024, mỗi công dân được cấp định danh điện tử mức 2 đều được cấp 1 căn cước điện tử trên VNEID. Các thông tin có trên căn cước điện tử đảm bảo tính chính xác cao, giúp cho việc đối chiếu, xác định danh tính dễ dàng hơn.
"Hiện nay, chúng ta đang thực hiện ứng dụng Đề án số 06. Theo đó, sẽ ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thực hiện Đề án 06 tiến tới việc chuyển đổi số, chứ không thể làm thủ công mãi được", Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải nói.
Trước mắt có thể kết hợp nhiều phương pháp
Hiện nay, đã có thẻ căn cước được cấp theo Luật Căn cước 2023. Trong đó, phần xem được bằng mắt thường không có thông tin vân tay, dấu hiệu nhận dạng. Việc này gây lúng túng và lo lắng cho CCV, sợ rằng không xác định được đúng người tham gia giao dịch, dễ tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo.
Theo Nghị định 69/2024, công chứng chỉ có thể xác thực khách hàng của mình thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Để thực hiện được, phải chờ Bộ Công an cấp phép cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, lúc đó mới biết cần liên hệ với tổ chức nào.
Trong khi chờ đợi chính thức có tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, CCV căn cứ vào các giấy tờ tùy thân còn hiệu lực để công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn đảm bảo được tính xác thực. Trường hợp khách hàng xuất trình thẻ căn cước cấp theo Luật Căn cước thì CCV có thể yêu cầu họ xuất trình các giấy tờ tùy thân đã được cấp có vân tay để đối chiếu, tham khảo.
Bà NGÔ MINH HỒNG, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM