Bỏ dở xây trường tiểu học vì nhà thầu và chủ đầu tư bất đồng quan điểm

(PLO)- Công trình xây dựng trường học ở Đắk Lắk bỏ dở giữa chừng, chưa biết khi nào làm lại do nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị giám sát bất đồng quan điểm. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-9, trao đổi với PLO, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (viết tắt là BQLDA) TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã thông báo cho nhà thầu việc chấm dứt hợp đồng thi công dự án Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân tại phường Tân An.

Dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện vẫn đang bỏ bê. Ảnh: VŨ LONG

Dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện vẫn đang bỏ bê. Ảnh: VŨ LONG

Trúng thầu nhưng không thi công

Theo hồ sơ, tháng 9-2022, BQLDA TP Buôn Ma Thuột phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty CP Đầu tư Xây lắp 5 (viết tắt là Công ty Xây lắp 5, trụ sở ở Hà Nội) trúng gói thầu xây dựng sáu phòng học, nhà bộ môn bốn phòng, nhà bếp ăn, nhà bán trú, nhà vệ sinh và hạ tầng kỹ thuật của Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11 tỉ đồng, thời hạn thi công 450 ngày.

Theo đại diện BQLDA TP Buôn Ma Thuột, tháng 11-2022 chủ đầu tư bàn giao mặt bằng. Đơn vị tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu cung cấp một số hồ sơ, văn bản để kiểm tra sự phù hợp năng lực thi công để giám sát, quản lý chất lượng công trình.

Các phòng học cũ của Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện đã bị phá dỡ. Ảnh: VŨ LONG

Các phòng học cũ của Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện đã bị phá dỡ. Ảnh: VŨ LONG

Tuy nhiên, nhà thầu không chấp hành các yêu cầu của đơn vị giám sát. Chỉ huy trưởng thi công của doanh nghiệp còn tự ý dừng công trình, rời khỏi hiện trường không lý do; không có sự phản hồi nào cho chủ đầu tư.

Đến nay, doanh nghiệp trúng thầu chỉ mới dựng hàng rào che chắn phạm vi thi công công trình; không tập kết vật tư, máy móc, thiết bị để triển khai thi công, tháo dỡ công trình hiện trạng, thực hiện các công việc khác theo quy định.

Ngày 18-7, BQLDA TP Buôn Ma Thuột ra thông báo chấm dứt hợp đồng thi công với Công ty Xây lắp 5 tại gói thầu xây dựng ở Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân.

“Việc vi phạm hợp đồng thi công đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện toàn dự án. Vì vậy, BQLDA TP Buôn Ma Thuột chấm dứt hợp đồng thi công với Công ty Xây lắp 5.

Trong vòng hai ngày, kể từ khi hợp đồng xây dựng bị chấm dứt, chủ đầu tư đề nghị nhà thầu di chuyển toàn bộ vật tư, thiết bị, máy móc và các tài sản khác của công ty ra khỏi công trường. Thời gian hoàn tất thực hiện thanh lý hợp đồng trong 56 ngày”- BQLDA TP Buôn Ma Thuột nêu rõ.

Chưa biết khi nào xây xong trường học

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hội, Tổng giám đốc Công ty Xây lắp 5, nói sau khi trúng thầu, ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư, doanh nghiệp đã dựng tôn xung quanh khu vực thi công. Đồng thời, cử cán bộ công ty ở lại công trình để nhận biên bản bàn giao mặt bằng, định vị tim, cốt, mốc giới để triển khai công việc tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc này.

Bỏ dở xây trường tiểu học vì nhà thầu và chủ đầu tư bất đồng quan điểm ảnh 3

Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân chưa xây dựng lại. Ảnh: VŨ LONG

Ông Hội cho rằng lý do chậm trễ triển khai dự án là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và giám sát. Theo ông Hội, điều kiện để thi công dự án là phải giao tim, mốc nhưng BQLDA Buôn Ma Thuột không thực hiện thì làm sao nhà thầu khởi công.

Đại diện nhà thầu cho rằng việc BQLDA TP Buôn Ma Thuột chấm dứt hợp đồng thi công với công ty là không khách quan. Phía doanh nghiệp sẽ có động thái tiếp theo để bảo vệ quyền lợi, danh dự.

Trả lời câu hỏi của PV khi nào học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân có lớp học, lãnh đạo BQLDA TP Buôn Ma Thuột nói sau khi chấm dứt hợp đồng xây lắp với Công ty Xây lắp 5, chủ đầu tư sẽ thực hiện lại quy trình đầu tư lại từ đầu, theo hướng điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, đấu thầu dự án để chọn nhà thầu mới. Việc này còn mất thêm thời gian.

Trường thiếu phòng học

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Cậy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết tám phòng học cũ đã bị phá dỡ. Hiện trường chỉ còn 18 phòng học trong khi có 20 lớp.

Do thiếu phòng học nên trường đã trưng dụng hai phòng thư viện để làm phòng học. Ngoài ra, Ban giám hiệu cũng thống nhất chuyển công năng phòng chờ của các giáo viên để làm nơi để sách của thư viện.

Theo kế hoạch, cuối năm 2023, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân sẽ nâng chuẩn quốc gia mức độ 2. Tuy nhiên, vì công trình xây dựng trên chưa xong nên chỉ tiêu phấn đấu này sẽ không đạt được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm