Ngày 3-3, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam tròn 65 năm ngày thành lập (1959 - 2024), cũng là 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (1989 - 2024).
Trong dịp này, Bộ đội Biên phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đóng góp quan trọng cho thành tích này là Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP)- “quả đấm thép” của lực lượng biên phòng trong công tác phòng chống ma túy, buôn bán người, gian lận thương mại và tội phạm khác.
Tội phạm biên giới ngày càng diễn biến phức tạp
Chia sẻ với PLO vào dịp này, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP, cho biết các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, ngoài nhiệm vụ chung cùng cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, thì còn nhiệm vụ riêng là phòng, chống tội phạm khu vực biên giới.
Khối lượng nhiệm vụ ấy có thể kể tới hơn 720 chuyên án; phát hiện, bắt giữ hơn 58.000 vụ với hơn 144.000 đối tượng vi phạm pháp luật; thu giữ hơn 11 tấn ma túy, hàng trăm tấn hàng hóa gian lận thương mại; giải cứu hơn 550 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đây là kết quả sơ sở của công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng biên phòng riêng giai đoạn 2018-2023.
Ngay trong những ngày đầu xuân này, trong không khí 65 năm ngày truyền thống, Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc vừa phối hợp với bộ đội biên phòng Nghệ An phá chuyên án NA 1223p, bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây tội phạm mua bán người.
Còn Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam và Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An phối hợp với lực lượng công an, lực lượng chức năng liên quan liên tiếp đấu tranh thắng lợi 2 chuyên án lớn A3-124p, LA 1223.2p triệt phá hai đường dây vận chuyển ma túy, pháo nổ với số lượng lớn qua biên giới.
Đại tá Hiệp cho biết Việt Nam được xác định là “cửa ngõ” để tội phạm vận chuyển ma túy từ khu vực “tam giác vàng” đi đến các nước tiêu thụ. Ước tính lượng ma túy đi qua “tam giác vàng” hàng năm lên tới nhiều trăm tấn, chủ yếu xuôi về hướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Việt Nam là hướng xuôi chính nên bị sức ép rất lớn trong công tác phòng, chống không chỉ trên đất liền mà còn trên biển khi gần đây các đối tượng đã thả ma túy ngoài khơi, lợi dụng dòng hải lưu để đưa ma túy trôi dạt vào bờ trên vùng biển miền Trung và Tây Nam bộ, với số lượng hàng trăm cân.
Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, giá rẻ, độ “phê” mạnh khi được các đối tượng ứng dụng nhiều công nghệ để chiết xuất. Điều này phản ánh vì sao số lượng ma túy trong các vụ án thời gian qua là rất lớn.
Với độ mở kinh tế lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao, tội phạm kinh tế xuyên biên giới đang là thách thức rất lớn. Tại các cửa khẩu, cảng biển, các đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong xuất, nhập khẩu hàng hóa (phân luồng xanh/vàng/đỏ) để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hoạt động thương mại điện tử, tập trung vào các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, khoáng sản, lâm sản, hàng có giá trị cao như vàng, đá quý, ngoại tệ,...
Phương thức giao dịch hàng hóa vi phạm pháp pháp luật cũng thay đổi nhanh chóng khi các đối tượng lợi dụng triệt để công nghệ thông tin như mạng xã hội, thương mại điện tử, giao dịch không tiếp xúc để phạm tội.
Hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, các đối tượng trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục, kết hôn trái pháp luật, cho, nhận con nuôi trái phép, cưỡng bức lao động, tham gia lừa đảo trên mạng.
“Lá chắn thép” bảo vệ pháp luật nơi đường biên
Để phá được các vụ án, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của bộ đội biên phòng phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Cảnh sát biển, Hải quan… để trao đổi thông tin tình hình tội phạm, vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh biên giới, xác minh, truy bắt tội phạm.
Thực hiện chủ trương phòng chống tội phạm từ xa, từ ngoài biên giới, trên cơ sở các điều ước quốc tế, hiệp định, quy chế biên giới, Cục PCMT&TP đã ký biên bản hợp tác với lực lượng biên phòng Trung Quốc; Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào; Tổng cục Công an Campuchia về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới.
Lực lượng PCMT&TP đã thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với quần chúng nhân dân khu vực biên giới, từ đó phát động phong trào tố giác tội phạm và hướng dẫn nhân dân triển khai các mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự”, “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Tiếng loa biên phòng”... xây dựng thế trận lòng dân vững chắc tham gia PCMT&TP trên suốt chiều dài biên giới đất nước.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, tháng 12-2020, “Quả đấm thép” của lực lượng Biên phòng - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.