Bộ GD-ĐT 'giải bài toán' thừa, thiếu giáo viên

(PLO)-  Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên… khắc phục tình trạng thừa, thiếu, nhất là ở các tỉnh miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: PHI HÙNG

Hội nghị khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: PHI HÙNG

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hội nghị cũng nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2022 – 2023.

Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 của Bộ GD&ĐT, hiện nay các địa phương đang tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Tính đến nay, đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Phần lớn giáo viên đã quen với bài giảng điện tử

Cụ thể: hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho 641.240 GV (trong đó, có 322.082 GV tiểu học, 216.204 GV THCS, 102.954 GV THPT) và 48.422 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (trong đó, cấp tiểu học có 25.562 người, THCS có 16.784 người, THPT có 6.076 người);

Hoàn thành bồi dưỡng 6 mô đun ưu tiên cho 30.127 GV cốt cán (đạt 105,3% so với mục tiêu đề ra) và 3.815 cán bộ quản lý cốt cán (đạt 106% so với mục tiêu đề ra); 63/63 sở GD&ĐTcó đội ngũ cốt cán có trình độ, được bồi dưỡng 6 mô đun cốt lõi, đủ về số lượng, đại diện các môn học, đáp ứng cơ cấu vùng miền, được trang bị năng lực triển khai Chương trình GDPT 2018, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp một cách có hiệu quả.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát để khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên. Ảnh PHI HÙNG

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát để khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên. Ảnh PHI HÙNG

Các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đội ngũ theo hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, Bộ đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9.000 GV phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình đối với GDPT và hướng dẫn GV xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non.

Sau hơn 2 năm triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay phần lớn GV đã quen và tiếp cận được cách thiết kế, biên soạn bài giảng điện tử để làm phong phú thêm phương pháp và nội dung giảng dạy.

Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp

Tiếp tục triển khai Kế hoạch triển khai lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của HV giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch tổng thể về công tác chuẩn bị đội ngũ GV dạy lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022 để chuẩn bị đội ngũ GV đủ về số lượng, được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn;

Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã ban hành;

Giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các cơ sở đào tạo GV, mở mã ngành đào tạo cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, tỉ lệ GV đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019), cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; THCS là 86,1%; THPT là 99,9%.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV, nhất là các tỉnh miền núi;

Bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có GV đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm GV thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế GV theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế GV bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Để có giải pháp phù hợp hỗ trợ cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ này đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát thực trạng chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để nắm bắt tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Từ đó, đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nhằm khắc phục hậu quả do dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm