Chiều 31-3, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Công văn ra đời trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để công tác dạy - học phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh.
Hướng dẫn tinh giản được xây dựng cụ thể cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 5. Theo đó, có chín môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: toán; tiếng Việt; khoa học; đạo đức; tự nhiên và xã hội; lịch sử và địa lý; âm nhạc; thủ công/kỹ thuật; thể dục.
Việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học; thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện.
Đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019-2020 do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao. Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề.
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lưu ý đối với môn tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn. ”Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2” - văn bản nêu.
Một số môn học có yêu cầu học sinh thực hiện việc đi điều tra, tìm hiểu ở môi trường địa phương xung quanh hoặc các hoạt động tìm hiểu mà đòi hỏi tiếp xúc gần với động vật… Bộ GD&ĐT hướng dẫn không yêu cầu học sinh thực hiện nữa, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho các em.
Với các thí nghiệm yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm có thể thay bằng: Giáo viên tiến hành thí nghiệm chung trước lớp và yêu cầu học sinh tích cực tham gia xây dựng kiến thức (như đưa ra phương án thí nghiệm, dự đoán, hay rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm). Một số thí nghiệm đơn giản giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà.
Môn lịch sử và địa lý, các bài học và nội dung tự chọn, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục căn cứ vào quỹ thời gian của học kì II, đặc điểm vùng miền, đặc điểm học sinh và nhà trường, để quyết định thực hiện một trong các phương án: Không dạy học bài tự chọn; dạy học bài tự chọn nhưng rà soát, tinh giản để tập trung giải quyết các nội dung cốt lõi; tổ chức thành bài đọc thêm cho học sinh có hướng dẫn của giáo viên.
Các nhà trường rà soát, tinh giản, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề cần đảm bảo các yêu cầu như: Đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lặp.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học trong học kì II năm học 2019-2020, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục tiểu học. Các nhà trường ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp; tăng cường các hình thức dạy học từ xa như dạy học qua Internet và trên truyền hình. Thời gian đầu của năm học 2020-2021, các nhà trường tập trung ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện chương trình của năm học mới.
“Tổ chức đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh bằng các phương pháp, kỹ thuật, công cụ khác nhau phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học” - hướng dẫn của Bộ nêu.
Chi tiết cắt giảm từng môn XEM TẠI ĐÂY: