Bỏ giấy chuyển viện: Coi chừng tuyến trên quá tải!

(PLO)- Thay vì bỏ giấy chuyển viện như ý kiến của một số cử tri, các bệnh viện cho rằng nên đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển y tế cơ sở, tránh cảnh cứ bệnh là người dân lên thẳng tuyến trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP (TP.HCM),giấy chuyển viện không chỉ là thủ tục hành chính mà còn liên quan đến chuyên môn.

Giấy chuyển viện vẫn rất cần thiết

Trong giấy chuyển viện chứa đựng thông tin liên quan đến điều trị bệnh từ tuyến trước, diễn tiến của bệnh, từ đó BV tuyến sau tiếp tục có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Do đó không nên bỏ giấy chuyển viện.

“Bệnh nhân đang điều trị ở tuyến dưới nếu tự ý lên tuyến trên sẽ rối, vì bác sĩ ở tuyến trên không biết tình hình trước đó thế nào, dễ dẫn đến điều trị không hiệu quả. Đó là chưa kể bệnh nhân phải làm lại tất cả xét nghiệm, khá là tốn kém” - BS Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, nếu bỏ giấy chuyển viện sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân ào ào lên tuyến trên, gây quá tải, chất lượng điều trị của BV bị ảnh hưởng. “Sự quá tải này là “quá tải giả tạo” vì nơi thì không có bệnh nhân, nơi lại quá đông” - BS Tiến nói.

Đồng tình với BS Tiến, giám đốc một BV tuyến Trung ương tại TP.HCM cũng cho rằng nếu bỏ giấy chuyển viện và cho thông tuyến, bệnh nhân đều đổ về tuyến cuối, các BV dễ rơi vào cảnh “vỡ trận”.

giấy chuyển viện
Nhiều chuyên gia cho rằng không nên bỏ giấy chuyển viện. Trong ảnh: Bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại BV Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cũng nhận định giấy chuyển viện (giấy hay điện tử) đều cần thiết, không nên bỏ. Nên có giấy chuyển viện để chứng minh bệnh vượt quá tầm của tuyến dưới, cần thiết phải điều trị ở tuyến trên.

“Nếu bỏ giấy chuyển viện, bệnh nhân BHYT có thể đi đến bất cứ BV nào để khám chữa bệnh, áp lực sẽ dồn lên tuyến trên, gây quá tải. Trong khi đó tuyến dưới sẽ không có bệnh nhân. Như vậy là phá vỡ sự cân bằng của hệ thống y tế” - BS Minh nhận xét.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2023, số người tham gia BHYT khoảng trên 93,6 triệu người, chiếm khoảng 93,22% dân số toàn quốc.

Trong chín tháng đầu năm 2023, cơ quan BHXH đã đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT với hơn 127,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT và chi phí đề nghị thanh toán là hơn 88,37 ngàn tỉ đồng.

Còn theo BS CKII Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), giấy chuyển viện không chỉ cần thiết cho bác sĩ điều trị mà còn có lợi ích cho bệnh nhân vì mọi thông tin đều nằm trong đó.

Nếu bỏ giấy chuyển viện, những bệnh nhân nhẹ lẽ ra có thể điều trị ở tuyến dưới lại chạy lên tuyến trên, gây quá tải, không cần thiết. Vì thế chỉ nên cải tiến các thủ tục chuyển viện theo hướng đơn giản, hiệu quả hơn mà không nên bỏ giấy chuyển viện.

Cần đơn giản thủ tục hành chính

Giám đốc một BV tuyến Trung ương tại TP.HCM nhấn mạnh giấy chuyển viện không có lỗi, chuyển viện phức tạp là do thủ tục hành chính rườm rà. Do đó, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thay vì bỏ giấy chuyển viện.

Theo vị này, ngành y tế cần xây dựng hệ thống y tế, phân thành ba tuyến rõ ràng. Trong đó, y tế cơ sở là chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên nguyên lý y học gia đình và y tế dự phòng. Y tế cơ bản gồm tuyến quận, huyện và khu vực, điều trị tất cả bệnh lý thông thường. Y tế chuyên sâu điều trị các ca khó, bệnh nhân chuyên khoa và làm công tác đào tạo chỉ đạo tuyến.

“Việc để bệnh nhân bệnh nhẹ đến BV tuyến cuối là bất hợp lý, vừa mất công sức lại gây quá tải cho BV, do đó phân tuyến điều trị là cần thiết. Cạnh đó, phải làm sao để người dân tin tưởng chuyên môn của y tế tuyến dưới, tránh tâm lý cứ bệnh là phải lên tuyến trên” - vị này nêu.

Tương tự, BS Tiến cũng cho rằng nếu bỏ thủ tục chuyển viện bằng giấy thì các thông tin phải được cập nhật trên hệ thống điện tử để BV tuyến sau tiếp cận. Còn nói thủ tục làm giấy chuyển viện rườm rà thì cần đơn giản hóa nó để thuận lợi cho người dân, không nên bỏ giấy chuyển viện.

“Ngoài ra, cần tăng cường năng lực khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở để người dân tin tưởng vào y bác sĩ, không chuyển tuyến khi không cần thiết” - BS Tiến nhấn mạnh.

Theo BS Minh, thay vì bỏ giấy chuyển viện thì nên đơn giản hóa thủ tục chuyển viện. Khi triển khai bệnh án điện tử hay liên thông hệ thống y tế toàn quốc, giấy chuyển viện có thể gửi qua mạng sẽ giúp người bệnh đỡ mất thời gian, lại không phát sinh tiêu cực.

“Sau này khi hồ sơ bệnh án điện tử của người bệnh được liên thông, tuyến trên sẽ tiếp nhận thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Người bệnh chỉ việc lên tuyến trên điều trị” - BS Minh cho hay.

Chỉ cần ấn nút là bệnh nhân chuyển tuyến xong

BV đa khoa Vân Đình (Hà Nội) đã thực hiện bệnh án điện tử một thời gian. Khi quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, BV chỉ cần ấn nút, toàn bộ bệnh án điện tử sẽ được chuyển đi. Bệnh nhân không mất nhiều thời gian chờ đợi xin chữ ký, thủ tục ghi hồ sơ chuyển viện.

Tuy nhiên, để chuyển tuyến cho bệnh nhân hiệu quả nhất, theo tôi cần kết hợp telehealth (khám chữa bệnh từ xa), tránh tình trạng chuyển bệnh nhân “khống”, có nghĩa là bệnh nhân chuyển tuyến nhưng không khám tại tuyến dưới.

Để giúp kết nối tốt hơn giữa nhân viên y tế các tuyến và bệnh nhân nặng được chuyển tuyến phù hợp, thuận lợi, hiện khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực BV ĐH Y Hà Nội đã triển khai hệ thống Tele-ICU. Với định hướng y tế không khoảng cách, có thể Tele-ICU sẽ là xu thế của chuyển tuyến bệnh nhân nặng trong tương lai.

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ y bạ toàn dân rất quan trọng. Khi mọi thông tin, lịch sử bệnh án được liên thông trong quản lý thì bệnh nhân mới được hưởng lợi.

TS NGUYỄN KHUYẾN,Giám đốc BV đa khoa Vân Đình (Hà Nội)

M.TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm