Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội đối với hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết hiện nay có bốn tuyến đường sắt đô thị đang thi công bị chậm tiến độ, đội vốn. Trong đó, hai dự án tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư. Một dự án (tuyến Nhổn - ga Hà Nội) do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư và hai dự án (Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay vẫn chưa thể khai thác. Ảnh: V.LONG
Bộ GTVT cho rằng các dự án trên đều là dự án lớn, công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.
Bên cạnh đó, tư vấn tham gia thực hiện dự án đều là các tư vấn lớn, tuy nhiên thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam, nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc.
Nhà đầu tư và tư vấn lập dự án chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị, vì vậy lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, nên phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Cụ thể, thay đổi về thông số kỹ thuật, như tải trọng trục, cự ly tim đường, đường kính trong hầm…
Một nguyên nhân quan trọng nữa theo Bộ GTVT là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Từ đó dẫn đến kéo dài tiến độ dự án làm tăng tổng mức đầu tư, như biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định…
Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp về quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ...
Hệ thống quy chuẩn cũng còn nhiều bất cập, đơn cử như quy chuẩn QCVN 08:2009 của Bộ Xây dựng, quy định về công trình ngầm đô thị có quy định khoảng cách từ công trình đến nhà dân chưa phù hợp dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân kéo dài. "Việc cập nhật tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư..." - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ GTVT khẳng định để dự án chậm, đội vốn trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Chậm giải phóng mặt bằng trách nhiệm thuộc về địa phương. Để dự án tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư còn có thêm tư vấn thực hiện dự án.
Đối với việc kéo theo quy trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án (có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng) thường mất nhiều thời gian do Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua trước khi phê duyệt điều chỉnh… Bộ GTVT cho rằng có trách nhiệm chung của một số bộ, ngành.
Sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân để xảy ra sai phạm Liên quan đến Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai phạm tại dự án Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT cho biết đã và đang rà soát, xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các nội dung theo kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan... |