Hàng loạt vấn đề nóng về giao thông hiện nay, nhất là liên quan đến các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sân bay Long Thành… được các phóng viên đặt câu hỏi đối với các lãnh đạo Bộ GTVT trong buổi họp báo do bộ này tổ chức chiều tối 27-9.
Không có chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam
Liên quan đến việc thu hút nhà đầu tư trong nước tham gia dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định: “Trước đây, khi đấu thầu quốc tế, nhiều nhà đầu tư trong nước e ngại không tham gia. Nhưng tôi nghĩ khi các nhà thầu trong nước “chơi” với nhau, họ sẽ tham gia…”.
Theo ông Đông, sau khi hủy sơ tuyển quốc tế, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10 tới và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1-2020.
Bộ GTVT vẫn giữ nguyên tiêu chí chọn nhà thầu với vốn chủ sở hữu 20%, không có bảo lãnh doanh thu và khoản vay… Tuy nhiên, bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí như giảm tiêu chí về kinh nghiệm. Bởi hiện nay cả nước mới có 800-900 km đường cao tốc, chắc chắn kinh nghiệm của các nhà đầu tư sẽ hạn chế.
Vị thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định không chia nhỏ các dự án, bởi các chặng thu phí được tính toán kỹ và Quốc hội đã “chốt” (11 dự án thành phần). Việc chọn chặng thu phí dự án (bắt đầu và kết thúc) phải có cơ sở kết nối và khả năng thu hồi vốn. Không thể làm 5 km rồi thu phí, như vậy không biết kết nối vào tuyến nào.
Bên cạnh đó, ông Đông cho biết: Nghị quyết Quốc hội chỉ rõ trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển sang đầu tư công nhằm kết nối được các tuyến với nhau. “Như vậy đã rõ về chủ trương không có chuyện Bộ GTVT chỉ định nhà đầu tư…” - ông Đông khẳng định.
Về dự báo tăng trưởng xe, thứ trưởng bộ này thừa nhận vừa qua có một số dự án đường bộ dự báo không được như kỳ vọng dù tư vấn làm trên cơ sở khoa học và được các cơ quan liên quan thẩm định.
“Như tôi biết, nhà đầu tư thông thường họ cũng có đánh giá độc lập về lưu lượng phương tiện và hiệu quả dự án rất rõ. Đồng thời, ngân hàng cũng có đánh giá hiệu quả để cấp vốn tín dụng. Tuy nhiên, nếu tư vấn đưa ra các con số không khoa học lọt qua các cơ quan thẩm quyền, lúc đó mới xem xét trách nhiệm…” - ông Đông thông tin.
Ngoài ra, ông Đông cho biết tới đây Bộ GTVT sẽ có những kiến nghị, tham mưu Chính phủ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư huy động vốn triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Người dân trong một lần tham quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG
Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày về đích
Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết hiện dự án còn 1%. Cụ thể, chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống…
Bên cạnh đó, tổng thầu chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty tư vấn ACT của Pháp) chưa đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của hệ thống và điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
Theo ông Đông, chỉ khi nào tất cả công việc xong mới chạy được tích hợp các đoàn tàu. “Giờ tổng thầu đề nghị chạy thử tàu tích hợp nhưng chúng tôi yêu cầu phải xong tất cả công việc còn lại mới được chạy để đảm bảo an toàn. Hiện đơn vị thẩm định độc lập mới hoàn thiện được 6/14 báo cáo, số còn lại phải đầy đủ thủ tục họ mới đánh giá” - ông Đông nói.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT cho hay đã làm việc với tổng thầu, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đôn đốc các việc tồn đọng. Tuy nhiên, quá trình làm việc giữa Bộ GTVT, Ban quản lý dự án và tổng thầu Trung Quốc chưa mang tới hiệu quả, đặc biệt trong công tác lập hồ sơ của tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
“Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo Bộ GTVT đánh giá là chưa khả thi nên đã yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án. Sau đó bộ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cũng như thông tin kịp thời với dư luận. Còn giờ chưa thể đưa ra mốc thời gian nào, vì nếu đưa ra mà tới lúc đó lại chưa xong sẽ tạo dư luận…” - ông Đông nói và cho rằng dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ là bài học kinh nghiệm rất lớn với Bộ GTVT.
Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan tới dự án chậm tiến độ, ông Đông cho biết dự án trải qua thời gian dài, nhiều bên liên quan. Ban đầu dự án do Cục Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Ban quản lý dự án đường sắt. Hiện bộ đang rà soát, kiểm điểm cá nhân, tổ chức liên quan, khi nào có sẽ công bố. Với kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đại diện Bộ GTVT khẳng định đang nỗ lực thực hiện nghiêm.
Trình Quốc hội dự án sân bay Long Thành Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về tiến độ sân bay Long Thành, đại diện Bộ GTVT khẳng định hiện nay Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này. “Đến nay chúng tôi khẳng định sẽ đáp ứng được tiến độ dự án là trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào tháng 10 tới đây)” - vị đại diện nói. |