Sáng 1-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chất vấn ông Đường Hồng, giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện tổng thầu Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc xung quanh việc chậm trễ dự án.
Ông Đường Hồng cho biết tất cả hồ sơ liên quan, yêu cầu của tư vấn, tổng thầu đều cung cấp và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập.
Theo ông Hồng, Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, Việt Nam cũng lần đầu tiên có đường sắt trên cao nên các trình tự trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc.
Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Quan trọng nhất là phải nghe tư vấn độc lập, họ là tư vấn quốc tế nên đơn vị thực hiện dự án phải tôn trọng cái chung”.
Ông Đường Hồng cho hay: “Chúng tôi phối hợp, phối hợp toàn diện và chặt chẽ với đơn vị tư vấn”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Nhưng vấn đề phải sớm, phải nhanh!”.
Theo ông Đường Hồng: Việc đánh giá đang gặp một số vướng mắc do đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ khi xây dựng dự án nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: “Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm…”.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết hiện nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu…
Trước khi dự án vận hành thương mại, ông Thể khẳng định các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn… Đặc biệt, các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.
“Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành” - ông Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng thầu, Ban quản lý dự án, TP Hà Nội và tư vấn kiểm định ngồi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại: “Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm” - ông Thể nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Mai Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho rằng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9-2017. Theo đó, Hà Nội phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và tuyển dụng, đào tạo khoảng 1.000 người.
“Công tác đào tạo đã xong hai năm nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018 thành phố mỗi năm trả lãi số tiền lớn (gần 300 tỉ đồng - PV)” - ông Chung nói.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra tại công trường tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Riêng dự án Nhổn - ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết tuyến đường sắt đô thị này dài 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km. Tiến độ chung dự án đạt khoảng 52%, đối với đoạn trên cao dài 8,5 km triển khai được 63% khối lượng. Dự kiến hoàn thành khai thác đoạn tuyến trên cao vào tháng 4-2021 và đoạn ngầm vào cuối năm 2022. |