Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 91/2015 của bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất giảm tốc độ tối đa của một số phương tiện.
Giảm tốc độ tối đa ở khu dân cư và cao tốc
Trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều từ hai làn xe trở lên tại khu đông dân cư, dự thảo quy định tốc độ tối đa là 50 km/giờ đối với ô tô chở người trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm hai tầng, xe tải có trọng tải trên 15 tấn, ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc, ô tô kéo rơmoóc, ô tô chuyên dùng (giảm 10 km/ giờ so với Thông tư 91). Các phương tiện còn lại được giữ tốc độ tối đa 60 km/giờ.
Trên cao tốc, hiện tốc độ tối đa cho phép của các loại ô tô là 120 km/giờ. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc hoặc kéo xe khác, xe chở người trên 30 chỗ, xe khách giường nằm hai tầng, xe xì téc và xe trộn, bơm vữa bê tông chỉ được chạy tối đa 100 km/giờ.
Lý giải về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết hiện nay quy định tốc độ tối đa trên đường cao tốc được áp dụng cho tất cả phương tiện. Nhưng việc ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc, ô tô kéo rơmoóc, ô tô kéo xe khác... được chạy trên 100 km/giờ như các loại xe con, xe tải dưới 3,5 tấn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, khi xảy ra tai nạn giao thông hậu quả sẽ rất nặng nề. Các nước trên thế giới cũng rất ít nơi cho phép các phương tiện vận tải lớn lưu thông quá 100 km/giờ.
“Vì vậy, việc giảm tốc độ tối đa còn 100 km/giờ đối với một số loại phương tiện có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao là phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và không làm giảm năng lực khai thác các tuyến đường, năng lực hoạt động vận tải” - Bộ GTVT nhận định.
Tương tự, hiện trong khu vực đông dân cư, các xe đầu kéo, rơmoóc được chạy cùng một tốc độ tối đa (60 km/giờ) với xe con, xe tải dưới 3,5 tấn. Điều này dễ gây tai nạn giao thông bởi các tuyến đường đi qua trung tâm tỉnh, huyện thường có lưu lượng phương tiện lớn. “Vì vậy, việc điều chỉnh tốc độ tối đa trên là phù hợp” - Bộ GTVT khẳng định.
Các xe tải trọng lớn lưu thông trong khu vực dân cư được đề xuất giảm tốc độ tối đa. Ảnh: VL
Nên quy định theo khung giờ
Anh Nguyễn Văn Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), tài xế có thâm niên năm năm lái xe container, đồng tình với việc giảm tốc độ tối đa xe tải nặng qua khu vực đông dân cư và khống chế tốc độ tối đa 100 km/giờ trên đường cao tốc như đề xuất của Bộ GTVT. Tuy nhiên, đối với khu vực đông dân cư thì anh Lộc cho rằng cần quy định khung giờ.
“Ví dụ, từ 24 giờ đến 5 giờ sáng cho phép các xe trên được chạy với tốc độ cao hơn, vì nửa đêm đường vắng mà vẫn phải “bò” với tốc độ 50 km/giờ là không phù hợp. Còn xe tải nặng chạy trên cao tốc với tốc độ trên 100 km/giờ rất nguy hiểm, vì vậy khống chế tốc độ tối đa là hợp lý” - anh Lộc nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, mật độ giao thông thưa thớt, cần nâng tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông. “Đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe trở lên, tốc độ tối đa của các phương tiện nên quy định theo khung giờ. Ví dụ từ 5 giờ đến 22 giờ, tốc độ tối đa là 60 km/giờ; từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, tốc độ tối đa là 70 km/giờ” - đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, tốc độ vận hành tối ưu để tiết kiệm nhiên liệu nằm trong khoảng 60-80 km/giờ. Việc lái xe nằm ngoài khoảng tốc độ này sẽ làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, tăng phát sinh khí thải nhà kính.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành đã thực hiện ổn định, nếu hạ tốc độ tối đa một số loại xe như dự thảo sẽ làm giảm khả năng lưu thông, tăng ách tắc giao thông trong đô thị. “Vì vậy, tôi nghĩ nên giữ nguyên như quy định” - ông Bằng nói.
Riêng đối với đường cao tốc, ông Bằng kiến nghị không quy định cố định tốc độ tối đa là 120 km/giờ mà nên để mở vì sau này có nhiều tuyến cao tốc mới sẽ cho phép khai thác với tốc độ lớn hơn 120 km/giờ.
Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết trước đây đường đi qua khu đông dân cư hay cao tốc được quy định cùng loại tốc độ cho nhiều loại xe. Song có ý kiến cho rằng cần phân rõ từng loại nên Bộ GTVT đưa ra các phương án điều chỉnh cho phù hợp. Đối với khung giờ hạn chế tốc độ, cơ quan soạn thảo cho biết Thông tư 91/2015 cho phép địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường (lưu lượng xe, chủng loại phương tiện và thời gian lưu thông trong ngày) để có quy định phù hợp. |