Bộ GTVT đề xuất tăng thẩm quyền cho thanh tra giao thông

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng thanh tra giao thông, siết hoạt động xe đưa rước học sinh…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hồ sơ dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ) vừa gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT gửi kèm dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ và bổ sung nhiều nội dung vào dự luật trên.

Tăng thẩm quyền cho thanh tra đường bộ

Đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ là việc Bộ GTVT đề xuất tăng quyền cho thanh tra giao thông. Cụ thể, ngoài nhiệm vụ xử lý vi phạm xe quá tải như hiện nay, thanh tra sẽ có thêm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Cạnh đó, thanh tra sẽ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT), bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Đối với xe đưa đón học sinh, Bộ GTVT đề xuất siết hoạt động này theo hướng xe đưa đón học sinh ngoài việc phải đáp ứng quy định về hoạt động KDVT bằng xe ô tô thì lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có hai năm kinh nghiệm lái xe KDVT hành khách. Bộ GTVT đề xuất siết hoạt động này. Mục đích phân biệt loại phương tiện đưa đón học sinh với các loại hình KDVT hành khách khác. Có cơ chế để quản lý chặt chẽ đối với các loại phương tiện đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.

Thêm vào đó, đại diện ban soạn thảo cho rằng quy định trên sẽ gắn trách nhiệm của đơn vị vận tải, cơ sở giáo dục đào tạo trong tổ chức hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông khi đưa đón học sinh. Tạo điều kiện cho thị trường vận tải đường bộ được phát triển hiện đại, phù hợp và đáp ứng với xu thế phát triển của quốc tế.

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm xe quá tải. Ảnh: ĐÀO TRANG

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm xe quá tải. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bỏ và di chuyển một số đề xuất trong dự luật

Trong dự thảo lấy ý kiến người dân vào đầu tháng 7-2023, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định. Theo tính toán của Bộ GTVT, với quy định trên người dân không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp Nhà nước tiến hành thu phí kiểm định khí thải.

Bộ GTVT cũng kỳ vọng chính sách trên giúp các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện tham gia giao thông có cơ hội đầu tư, phát triển ngành công nghiệp xanh với các phương tiện giao thông có tiêu chuẩn khí thải cao. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết hiện nay nội dung này đã được chuyển sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không còn quy định ở Luật Đường bộ.

Ngoài ra, tại Điều 40, dự thảo Luật Đường bộ xin ý kiến trước đây, Bộ GTVT đề xuất cho phép gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.

Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực. Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy; bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật vừa được gửi đến Bộ Tư pháp, nội dung này được rút ra. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, có thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không luật hóa quy định dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc đề xuất bởi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân, công trình và phương tiện khu vực này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng việc bỏ quy định này là phù hợp. Bởi vì khi gầm cầu được trưng dụng làm bãi đỗ xe, các phương tiện ra vào tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Song song đó, có thể xảy ra tình huống ô tô cháy nổ, ảnh hưởng đến công trình cầu. “Thêm vào đó, dù luật chỉ cho phép sử dụng tạm thời nhưng khi đã xin được cấp phép làm bãi trông giữ xe rồi thì “chẳng tạm thời đâu” - vị này nói.•

Dự thảo Luật Đường bộ giảm ba điều

Hiện nay, dự thảo Luật Đường bộ gồm sáu chương, 92 điều. So với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 24, dự thảo Luật Đường bộ giữ nguyên số chương nhưng giảm ba điều.

Như vậy, hiện nay dự thảo Luật Đường bộ chỉ còn hai nhóm chính sách, gồm: hoàn thiện khung pháp lý về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoàn thiện khung pháp lý về vận tải đường bộ. Theo đó, dự án Luật Đường bộ có sự thay đổi nhóm chính sách so với đề nghị xây dựng dự án Luật Đường bộ đã được Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cụ thể, Luật Đường bộ quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm