Bộ GTVT nói làm cầu cạn ở ĐBSCL chi phí quá lớn

(PLO)- Bộ GTVT cho biết phương án làm cầu cạn khu vực ĐBSCL đã được ngành tính tới, tuy nhiên giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đang áp dụng hiện nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về phương án làm cao tốc khu vực phía Nam, Bộ GTVT cho rằng việc làm cầu cạn khu vực ĐBSCL có nhiều ưu điểm nhưng chí phí quá cao.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết các dự án khu vực ĐBSCL có tính chất đặc thù như: Điều kiện địa chất rất yếu, địa hình chia cắt bởi hệ thống kênh rạch, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt phải xử lý nền đất yếu có thời gian chờ lún kéo dài khoảng 12 đến 16 tháng, với nguồn vật liệu xử lý chủ yếu là cát.

Thêm vào đó, việc tổ chức phương án triển khai thi công các dự án trong khu vực này là hết sức khó khăn do đường tiếp cận công trường thông qua đường bộ, đường thủy (kênh, rạch) đều nhỏ, bị hạn chế về chiều cao thông thuyền.

duong-gom-cao-toc-4896-516.jpg
Bộ GTVT khẳng định cát khu vực ĐBSCL vẫn đáp ứng cho xây dựng đường cao tốc.

Chính vì vậy, Bộ GTVT cho rằng khi nghiên cứu thiết kế để lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu cần được xem xét, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố kinh tế - kỹ thuật để so sánh, quyết định.

Chẳng hạn như việc xem xét dự án đó có cần sử dụng công trình cầu cạn toàn bộ tuyến; kéo dài cầu vượt sông để giảm chiều cao đắp đầu cầu; xử lý lún bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải.. nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát san lấp, rút ngắn thời gian chờ lún, tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro trong thi công và quá trình khai thác.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết các giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, hiện chi phí xây dựng cầu cạn cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đắp nền, dẫn đến suất đầu tư các dự án khu vực ĐBSCL đều cao hơn so với các khu vực khác và so với các giải pháp thông thường đang áp dụng hiện nay.

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc, do vậy đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Trước bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, Bộ GTVT khẳng định cát khu vực ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai thi công.

Về góp ý làm cầu cạn như kiến nghị của các hiệp hội vừa qua, Bộ GTVT cho biết phương án này có ưu điểm về kỹ thuật như: tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro do trong thi công và quá trình khai thác; không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vật liệu cát, rút ngắn thời gian thi công; ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, điều kiện thoát lũ tốt hơn...

Vì vậy, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng đề án “nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại ĐBSCL để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông”, trong đó sẽ đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện trên nhiều khía cạnh.

Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả nghiên cứu của đề án và sử dụng cho các dự án đầu tư tại khu vực ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm