16 giờ: PV đặt câu hỏi: Sau khi giảm phí người dân tiếp tục phản ứng Bộ GTVT có giải pháp gì không?
Ông Nguyễn Ngọc Đông: tôi khẳng định là vị trí trạm đặt trên dự án, nên chúng ta phải chia sẻ hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Việc làm con đường này mang lại lợi ích cho số đông người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
PV: Nhà nước phải đảm bảo quyền đi lại cho người dân, quốc lộ 1 là tuyến độc đạo tại sao không sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư?
- Ông Nguyễn Ngọc Đông: ai cũng mong muốn miễn phí. Các nước hầu như họ không có thu phí. Ở các nước phát triển như Việt Nam, Trung Quốc phải đầu tư các tuyến đường bằng BOT, đó là xu thế chung. Chúng tôi rất mong muốn dùng ngân sách nhà nước nhưng không đủ.
PV: Trong hợp đồng ký kết với nhà đầu tư, và nhà nước đại diện cho người dân ký kết hợp đồng kinh tế. Như vậy, đây là hợp đồng kinh tế nên có cần bảo mật như hiện nay?
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Trong luật mới chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu xem công khai, nhưng công khai như thế nào thì cần phải xem xét có cần công bố tất cả hợp đồng lên mạng không.
PV: Ở trên tuyến đường BOT Cai Lậy, theo thiết kế ban đầu có 7 cầu, tuy nhiên sau đó có 2 cầu được thay bằng 2 cống. Vậy khi giảm cầu thành cống thì toàn bộ dự án giảm được bao nhiêu tiền? Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trước đó đã tuyên bố, các dự án quyết toán xong mới thu phí. Tuy nhiên, vì sao tại dự án BOT Cai Lậy, dù chưa quyết toán đã thu phí?
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Việc hai cầu bị biến thành cống là câu hỏi về mặt kỹ thuật. Trong quá trình triển khai dự án ban đầu, đây là 2 cầu dài khoảng 6 m, dân gian gọi vui là “cầu chó nhảy”. "Việc thay thế cầu bằng cống là bước kỹ thuật tiếp theo để đảm bảo thoát nước. Và chi phí nếu có chênh lệch chắc chắn cũng không quá nhiều", Thứ trưởng Đông khẳng định.
Trả lời tiếp, ông Đông nhấn mạnh hình thức đầu tư BOT thực tế xuất phát từ ngân sách của chúng ta quá thiếu, quá khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo dự kiến trong những năm tới, đầu tư Quốc lộ thôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần phải tính tới nhượng quyền khai thác trên các tuyến quốc lộ để nâng cao khả năng cải tạo.
"Bây giờ chúng tôi chỉ làm tuyến mới. Tuy nhiên sắp tới thiếu vốn cũng khó làm được. Còn trong tương lai đầu tư công tư là xu hướng chung, trên cơ sở xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, để xây dựng các tuyến cao tốc hiện đại", Thứ trưởng Đông cho biết.
Về vấn đề dự án chưa quyết toán đã thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ: Đối với dự án cụ thể phải rà lại con số chốt cuối cùng. Ông Đông cho biết, theo quy định chung sau khi hoàn thành dự án bao lâu thì mới chốt, tuy vậy hiện nay với dự án này, thủ tục đang ở giai đoạn quyết toán để chốt lại các con số.
Rất đông phóng viên có mặt tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của báo chí
- 15 giờ 08: Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sau khi có sự phản ứng của một số người dân Bộ GTVT đã cử Tổng Cục đường bộ Việt Nam để xem xét, khảo sát nhằm đưa ra mức phí phù hợp cho người dân. Theo đó, Bộ GTVT đã có quyết định giảm phí như đã thông tin.
- 15 giờ 05, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã vào hội trường. Hiện ông Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT đang giới thiệu các thành phần họp và dự án trạm Cai Lậy.
Theo thông báo, 15 giờ cuộc họp báo sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, ngay từ sớm, rất nhiều PV của các cơ quan báo đài đã có mặt tại trụ sở Bộ GTVT.
Sự việc hàng trăm lái xe phản đối việc thu phí bằng cách sử dụng tiền lẻ tại trạm BOT Cai Lậy những ngày qua đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Dự kiến tại cuộc họp báo chiều nay, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ trả lời nhiều câu hỏi xung quanh dự án này.
Quang cảnh buổi họp báo.