BOT Cai Lậy: Không dời trạm, xem xét giảm phí

Sáng 15-8, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thời điểm hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy tiếp tục xả trạm, không thu phí để chờ ý kiến chỉ đạo từ trên. Cụ thể, phía tỉnh báo cáo cho Bộ GTVT và dự kiến chiều 15-8, Bộ sẽ có cuộc họp về tình hình thu phí tại trạm này. Phía đơn vị quản lý, khai thác trạm thu phí cũng đang chờ xin ý kiến của lãnh đạo công ty.

Xả trạm đến ngày 16-8

Theo ông Trần Văn Bon, từ chiều 14-8, sau khi xảy ra tình trạng ùn tắc xe kéo dài trên 1 km, đơn vị khai thác đã xả trạm, không thu phí từ đó cho đến nay. Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở đã cắt cử lực lượng thanh tra giao thông để phối hợp với công an và lực lượng chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở khu vực trạm.

Cuối giờ chiều 15-8, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) - đơn vị quản lý khai thác trạm thu phí BOT Cai Lậy, cho biết: “Trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm thời ngưng thu phí, xả trạm cho đến ngày 16-8 để chờ kết quả cuộc họp giữa Bộ GTVT với tỉnh Tiền Giang về vấn đề giảm giá vé. Sau khi có ý kiến cũng như quyết định chính thức từ Bộ GTVT sẽ tiến hành thu tiếp”.

Cũng theo ông Hiệp, sau khi triển khai thu phí đã xảy ra tình trạng một số người có biểu hiện gây mất an ninh trật tự, có xe tới trạm rồi quay ngang xe gây ảnh hưởng tới việc thu phí. Công ty đã có báo cáo cùng các hình ảnh kèm theo gửi cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang để nhờ hỗ trợ và giải quyết.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) ngày 15-8 xả trạm, tạm thời không thu phí nên thông thoáng, không kẹt xe. Ảnh: CTV CT

“Không di dời vì trạm đặt đúng”

Cùng ngày, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM từ Bộ GTVT cho biết đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất các buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và những đơn vị liên quan về việc giảm mức phí qua trạm BOT Cai Lậy. Theo đó, việc giảm mức phí sẽ được Bộ GTVT xem xét. Tuy nhiên, vị này khẳng định “vị trí trạm hiện nay là phù hợp và không có chuyện di dời”.

“Vị trí đặt trạm thu phí được đặt trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh dài 12 km qua thị xã Cai Lậy và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26 km. Do vậy, trạm thu phí nằm trên khu vực dự án chứ không phải nằm bên ngoài. Bên cạnh đó, vị trí đặt trạm thu phí đã được chủ đầu tư đưa vào phương án tài chính để đảm bảo khả năng thu hồi vốn và được tỉnh Tiền Giang và các bộ liên quan thẩm định, chấp thuận....” - vị này khẳng định.

Tại phiên họp TVQH vào sáng 15-8, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng cho biết chiều 15-8 Bộ sẽ căn cứ vào đề xuất của địa phương và nguyện vọng của người dân quanh khu vực để xem xét vấn đề này.

“Chỉ là trả trước hay trả sau thôi”

Chỗ Cai Lậy những ngày vừa qua, nhân dân, doanh nghiệp tại chỗ không có phản ứng gì. Chỉ có bảy doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức phản ứng làm chúng tôi thấy rất buồn. Buồn ở chỗ khi xảy ra sự việc ở đây có chính quyền nhưng lại dàn ba cái xe dừng ở đó để cản trở.

Đây là dự án cải tạo hơn 26 km trên quốc lộ 1 và 12 km tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang). Bộ GTVT và địa phương lập dự án, trong quá trình làm lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải, địa phương.

Theo đề xuất của địa phương, giá vé qua trạm giảm từ 35.000 xuống 25.000 đồng thì nhà đầu tư có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, cả hai mức thu phí thì vẫn là số tiền ấy, chỉ là thay vì thu trong xấp xỉ bảy năm thì nay kéo dài đến khoảng 12-13 năm. Chỉ là trả trước hay trả sau thôi. Cái đó cũng đúng theo nghị quyết, tinh thần, chủ trương của Chính phủ.

Sau khi chúng tôi tập trung quyết toán, phương án là đối với các dự án có khả năng giảm phí thì chọn giảm phí chứ không giảm thời gian. Chiều 15-8, Bộ sẽ căn cứ vào đề xuất của địa phương và nguyện vọng của người dân quanh khu vực để xem xét giải quyết vấn đề này.

Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA, Bộ trưởng Bộ GTVT

TS NGUYỄN HỮU ĐỨC,chuyên gia giao thông:

Bất ngờ vì cách làm của Bộ Giao thông

Đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy, tôi hơi bất ngờ vì trước đó Bộ GTVT đã khẳng định từ nay chỉ đặt trạm thu phí trên các tuyến đường mới nhưng không hiểu sao trạm Cai Lậy vẫn mọc lên.

Đặc biệt, nhà đầu tư đã tìm cách “hợp thức hóa” vị trí đặt trạm bằng việc đầu tư nâng cấp 26 km quốc lộ 1A. Nếu đặt trạm ở khu vực đường tránh thì người dân đâu phản ánh nhưng nhà đầu tư lại móc được thêm dự án cải tạo quốc lộ 1 để có vị trí đẹp đặt trạm nhằm thu hồi vốn nhanh, đây là nguồn cơn của bức xúc.

Một vấn đề nữa là tại sao một dự án nâng cấp 26 km quốc lộ 1 mà lên đến hơn 300 tỉ đồng. Như vậy mỗi kilomet hơn chục tỉ đồng, đây là con số rất lớn mà chúng ta phải xem xét.

Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền đi lại cho người dân, như vậy vị trí trạm thu phí Cai Lậy đặt ở quốc lộ 1 đã xâm phạm đến quyền của người dân. Bộ GTVT cần hạn chế các dự án cải tạo quốc lộ 1 như ở Cai Lậy vì rải thảm thu phí sau 10 năm chuyển giao thì Nhà nước không còn gì: BOT là phải làm những tuyến đường mới hoàn toàn. Đặc biệt phải tổ chức đấu thầu và quyết toán xong mới được thu phí.

1.300 tỉ đồng và 8.000 tỉ đồng

Dự án xây dựng 12 km đường tránh thị xã Cai Lậy và sửa chữa 26 km quốc lộ 1 được khởi công ngày 20-2-2014 theo hình thức BOT. Nhà đầu tư là liên danh Công ty Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1. Để hoàn vốn, dự án được lập trạm thu phí để thu trong vòng sáu năm năm tháng (77 tháng).

Giá vé tại trạm thu phí này thấp nhất là 35.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt, trung bình mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt xe qua lại.

Lấy giá vé bình quân là 70.000 đồng/xe, dự kiến mỗi ngày công ty này thu về 3,5 tỉ đồng. Lấy 3,5 tỉ đồng nhân cho 77 tháng (nghĩa là 2.310 ngày), chủ đầu tư sẽ thu được 8.085 tỉ đồng. Trong khi tổng vốn chủ đầu tư bỏ ra là hơn 1.000 tỉ đồng xây dựng 12 km đường tránh và 340 tỉ đồng nâng cấp quốc lộ 1.

HỮU DANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm