Bỏ hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dõi theo thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng thì thấy loại thuế này được Quốc hội ban hành năm 1998 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1999. Lúc đó, không chỉ có “xăng các loại”, mà các chế phẩm liên quan đến xăng cũng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 15%.

Đến năm 2008, Quốc hội (QH) ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới. Xăng các loại và các chế phẩm liên quan cũng vẫn chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-4-2009.

Đến năm 2014, QH ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Đến luật này, chỉ có các loại xăng là chịu thuế TTĐB, còn các chế phẩm liên quan đến xăng được bỏ ra khỏi đối tượng chịu thuế này. Thuế suất cũng được cập nhật vì có thêm xăng E5, E10 và thuế suất lần lượt là 7%, 8%. Xăng các loại khác thì vẫn thuế suất 10%.

Tinh thần chung của cả ba luật thuế TTĐB này là chỉ quy định về các mức thuế khác nhau đối với từng loại hàng hóa, sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế. Một chuyên gia luật cho rằng bỏ hay giảm thuế TTĐB thời điểm này có vẻ khó có cơ sở.

Bởi Luật Thuế TTĐB qua các thời kỳ đều không có quy định về “giảm thuế”. Việc bỏ đi một sắc thuế hay giảm thuế thuộc thẩm quyền của QH. Muốn giảm hay bỏ loại thuế TTĐB đối với xăng thì đương nhiên phải sửa luật. Giả sử sửa luật để giảm hay bỏ thuế TTĐB với xăng thì luật cần có hiệu lực ngay. Điều ấy gần như không khả thi ngay tại thời điểm này với quy trình thông thường.

Mặt khác, thuế TTĐB được hiểu là “loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt mang tính chất xa xỉ” nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng xã hội, nhập khẩu. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng. Từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Những ý kiến nêu cần bỏ thuế TTĐB đối với xăng có lẽ là nghĩ đến từ “xa xỉ”. Nhưng nếu nhìn rộng hơn thì thuế TTĐB nói chung và thuế TTĐB với xăng nói riêng có tác dụng định hướng hành vi, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, sạch mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành, cam kết với quốc tế. Thế nên việc phải giảm hay bỏ ngay thuế TTĐB với xăng e là còn nhiều rào cản.

Thế nhưng thực tiễn hiện nay, trước giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày, chi phí của doanh nghiệp, người dân cũng vì thế mà tăng lên, lạm phát hiển hiện… thì yêu cầu giảm hay bỏ thuế TTĐB trong một thời gian như đối với thuế bảo vệ môi trường cũng là điều cần cân nhắc. Giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn của “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” như Nghị quyết 30/2021 của QH đã xác định. Nghị quyết ấy, như đã biết, trao cho Chính phủ những thẩm quyền đặc biệt.

Vậy Chính phủ hoàn toàn có thể trình Ủy ban Thường vụ QH về việc “điều chỉnh” thuế TTĐB đối với xăng để thêm một nguồn lực phục hồi kinh tế. Có thể khi điều chỉnh theo hướng giảm, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu đi một phần. Nhưng Chính phủ cũng có thể trình QH những cách thức để bù đắp hoặc không tạo gánh nặng cho ngân sách, chẳng hạn như giảm chi một số nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách.

Điều này thực ra cũng phù hợp với tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”… mà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm