Kịch bản mới về xăng dầu Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội phục vụ phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm nay (16-3). Đáng chú ý, kịch bản điều hành xăng dầu quý II-2022 sẽ không có nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nhưng vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Không tính Nghi Sơn vẫn đủ xăng

Bộ Công Thương nêu rõ: Việt Nam hiện nay có hai nhà máy lọc dầu gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70%-75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong đó, nguồn từ Nghi Sơn chiếm 35%-40%, nguồn từ Bình Sơn chiếm khoảng 35%.

Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55%-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất.

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo. Ảnh: PHI HÙNG

Vì vậy, không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Nguyên nhân, do Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.

“Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2-2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch, tháng 3 giảm 20%” - Bộ Công Thương nêu rõ.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cho biết hiện nay Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt, sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy.

Để bổ sung nguồn cung thiếu hụt của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, từ cuối tháng 1-2022, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và sau đó là 105%. Đồng thời từ tháng 1-2022, bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất.

Sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2-2022 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch và nhập khẩu bổ sung. Vì vậy, tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân và DN .

“Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Từ đó đã thống nhất, trước mắt kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II-2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đây là kịch bản đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống” - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đề nghị tính toán lại các mức chi phí xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay đã có sáu kỳ điều hành giá xăng dầu và các kỳ điều hành đều tăng giá. So với kỳ điều hành ngày 11-2 thì giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 11-3 đã tăng 4.625-7.030 đồng/lít/kg, tương đương tăng 24,91%-39,56%.

Với bối cảnh tăng giá như trên, để hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, liên bộ đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít tùy loại… Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng 44%-60%, trong khi giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn.

Về những giải pháp sắp tới để bảo đảm cung cầu và bình ổn thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được giao trong quý II-2022.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Đơn cử như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. Qua đó nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

“Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu để các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức đã được giao; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu...” - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Chưa tăng giá các mặt hàng do Nhà nước định giá

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá chiều 14-3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản chúng ta kiểm soát được giá. Tuy nhiên, trước sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới… đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá ở trong nước. Do đó, chúng ta không được chủ quan.

Đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá, Phó Thủ tướng nêu rõ trong thời điểm hiện tại chưa xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Đối với những mặt hàng mà Nhà nước không định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng để trục lợi trái luật.

“Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh” - Phó Thủ tướng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm