Bộ KH&ĐT đã thay đổi nhanh, không còn là 'siêu bộ'

Ngày 28-7, phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành KH&ĐT năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là cần phải có những giải pháp để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói cần phải có giải pháp, kế hoạch phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau COVID-19. Ảnh: MPI

Không giữ lại quyền lợi cục bộ

"Nhiều người nói, trước đây Bộ KH&ĐT là siêu bộ, nhiều quyền lực, xin cho… nhưng gần đây thì dư luận, cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, địa phương đánh giá là Bộ thay đổi rất nhanh, theo con đường kiến tạo, phát triển, không giữ lại các quyền lợi cục bộ" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo ông Dũng trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT duy trì và giữ vững vai trò là cơ quan tiên phong, đổi mới trong cải cách thể chế, sẵn sàng từ bỏ lợi ích vì mục tiêu chung, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển với vai trò là cơ quan kiến tạo.

Bộ trưởng Dũng đã dẫn ra hàng loạt những đổi mới trong xây dựng thể chế như cắt giảm 22 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý; bãi bỏ quy định về đầu tư, đơn giản hóa nhiều thủ tục liên quan đến kinh doanh…

Cũng theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, hàng loạt đạo luật được ban hành trong thời qua như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)... là minh chứng cho sự đổi mới trong thể chế của Bộ.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh là những giải pháp nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Kịp thời tham mưu cho Chính phủ

Phát biểu tham luận, đa số các địa phương đều hứa sẽ giữ nguyên các chỉ tiêu trong năm nay.

Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: "Sản xuất công nghiệp của địa phương sáu tháng qua tăng 12,9% so với cùng kỳ, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 750 triệu USD. Tỉnh đang tập trung thúc đẩy tiến độ một số dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại và đúng tiến độ để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai dự án".

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai trong phát biểu nhấn mạnh rằng tỉnh này sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. "Nếu có thêm vốn được phân bổ cũng sẽ giải ngân hết" - đại diện tỉnh Lào Cai khẳng định.

Toàn cảnh giao ban trực tuyến ngành kế hoạch đầu tư ngày 28-7. Ảnh: MPI

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, những khó khăn, thách thức rất lớn vẫn ở phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, bền bỉ cũng như tinh thần quyết liệt bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp để đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong cả năm 2020.

Ví dụ như việc thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp của ngước ngoài được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian qua, ông Dũng đặt vấn đề là những dòng vốn này không tự đến Việt Nam thì chúng ta cần phải làm gì, làm sao có thể chọn lọc những dòng vốn này để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước...

Bộ trưởng Dũng nói từ nay đến hết năm 2020, Bộ sẽ tập trung một số việc quan trọng như: Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế-xã hội để tổng hợp, phân tích, dự án và kịp thời tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành.

“Các đơn vị cần tập trung làm tốt lập quy hoạch, triển khai kế hoạch đầu tư công và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cũng như bắt tay chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025” - Bộ trưởng Dũng nói.

 

Hạn chế tối đa tác động của COVID-19

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng GDP 1,81% trong sáu tháng đầu năm 2020 là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng trưởng âm, đối mặt với suy thoái.

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động, theo dõi sát sao, kịp thời cập nhật tình hình, phân tích đặc điểm, tính chất và đánh giá ảnh hưởng, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ cũng chủ trì xây dựng Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch và tham mưu Chính phủ cần phải có ngay những giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Về triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm 2020 và triển khai thi hành Luật Đầu tư công, Bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành, triển khai nhiều cơ chế, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cạnh đó, Bộ cũng trình Thủ tướng các quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, 2019… cùng các văn bản liên quan.

Đặc biệt, Bộ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm