Bộ LĐ-TB&XH lập đoàn kiểm tra việc chi hỗ trợ tiền thuê nhà ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

(PLO)-  Tuần sau Bộ LĐ-TB&XH lập đoàn kiểm tra tiến độ triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, Quảng Ninh…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước việc nhiều địa phương chậm chi hỗ trợ NLĐ (NLĐ) tiền thuê nhà, sáng 12-8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục họp trực tuyến với các địa phương. Tại đây, ông cho biết Thủ tướng đang rất sốt ruột trước tiến độ giải ngân nên yêu cầu các tỉnh đứng lên giải trình.

Địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM… lần lượt được Bộ trưởng gọi tên. Hầu hết địa phương đều thừa nhận việc chậm do cấp huyện thận trọng, chờ ngân sách về; người sử dụng lao động sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm..

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết hiện địa phương có hơn 1 triệu NLĐ đề nghị được hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà, với số tiền 1.700 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay mới giải ngân được 139 tỉ đồng (khoảng 7,83%), chậm so với kế hoạch.

Nghe vậy, ông Đào Ngọc Dung khẳng định TP.HCM chiếm số tiền giải ngân bằng 1/3 của cả nước. Nếu Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM giải ngân xong xem như cơ bản hoàn thành gói hỗ trợ này. Vì đây là những địa phương có số lượng NLĐ và tiền hỗ trợ cao nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo. Ảnh: V.LONG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo. Ảnh: V.LONG

Dẫn chứng gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, ông Dung cho rằng thời điểm đó khó khăn như vậy TP.HCM vẫn làm được, giờ dễ hơn nhiều nhưng vẫn không xong.

“Trưa nay tôi sẽ điện cho anh Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM), vì TP.HCM chậm trong thời gian qua là do “đẻ” thêm nhiều thủ tục. Chẳng hạn như yêu cầu xác nhận giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, giấy đăng ký tạm trú… Sau hôm nay Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản gửi riêng cho TP.HCM về việc này”- ông Dung nói.

Một số tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Long An… đều đưa hứa với bộ trưởng sẽ hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ và chi tiền hỗ trợ cho NLĐ trước hoặc sớm hơn quy định đề ra là ngày 30-8.

Kết luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định so với phiên họp Chính phủ ngày 4-8 hiện một số địa phương có tỉ lệ giải ngân 62% (trước đó địa phương cao nhất là 33%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương tỉ lệ giải ngân dưới 1%, thậm chí bốn tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên chưa giải ngân đồng nào, trong khi số lượng người hưởng rất ít.

Khẳng định lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến gói hỗ trợ này, Bộ trưởng cho biết một tuần Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo ít nhất trên 10 lần, bằng các hình thức điện, nhắn tin, gặp gỡ. “Riêng Thủ tướng có đến bốn công điện chỉ đạo, bộ lập 12 đoàn đi kiểm tra nhưng chuyển động như thế là chậm so với yêu cầu…”- ông Dung nhận định.

Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do một số lãnh đạo địa phương chưa coi trọng đúng mức, có nơi thờ ơ với chính sách này, xem đây là trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH và BHXH. Đáng chú ý có địa phương “đẻ” thêm thủ tục hành chính, cá biệt hơn là có tỉnh đưa qua Hội đồng nhân dân để duyệt danh sách.

“Các địa phương không được ban hành những văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật, phát sinh những thủ tục hành chính trái quy định, vô hình chung gây khó khăn cho NLĐ và doanh nghiệp…”- ông Dung nhắc nhở.

Kể câu chuyện doanh nghiệp phản ánh đã nộp hồ sơ hơn 1 tháng nhưng NLĐ chưa nhận được tiền, ông Dung yêu cầu ngay khi tiếp nhận hồ sơ thì trong vòng hai ngày phải thẩm định và phê duyệt, sau đó tối đa hai ngày phải chi tiền hỗ trợ, không được chậm hơn.

Ông cũng yêu cầu các địa phương chậm nhất đến 30-8 phải chi tiền hỗ trợ, tỉnh có số lượng hỗ trợ ít phải hoàn thành xong ngày 25-8. Tỉnh nào hôm nay hứa phải thực hiện, Bộ sẽ “mổ” băng ghi âm cuộc họp để theo dõi.

“Cạnh đó, tuần sau Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức một số đoàn đi kiểm tra tiến độ triển khai gói hỗ trợ tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, Quảng Ninh… để đôn đốc, xử lý”- ông Dung cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm