Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH làm rõ việc chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà

(PLO)-  Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH làm rõ hơn nguyên nhân và trách nhiệm của các địa phương khi chậm giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước việc nhiều địa phương chưa giải ngân được khoản hỗ trợ người lao động (NLĐ) tiền thuê nhà, chiều 11-8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã họp trực tuyến với các địa phương và yêu cầu đẩy nhanh việc giải ngân vì NLĐ đang khó khăn chồng chất khó khăn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, cho biết trừ Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, còn lại 60 tỉnh, thành doanh nghiệp đều đã nộp hồ sơ.

Theo đó, cấp huyện tiếp nhận được 56.351 doanh nghiệp với trên 2,8 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay mới giải ngân cho 16.436 doanh nghiệp, với 1 triệu lao động, với số tiền hơn 728 tỉ đồng, đạt 11,23% so với dự kiến.

Một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn dưới 1% như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…

Người lao động trong các khu công nghiệp nhận hỗ trợ từ công đoàn. Ảnh: V.LONG

Người lao động trong các khu công nghiệp nhận hỗ trợ từ công đoàn. Ảnh: V.LONG

Theo ông Lê Văn Thanh nguyên nhân chậm do địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời…

“Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách…”- ông Thanh chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là gói chính sách mang tính nhân văn, nhân ái, NLĐ thì khát khao chờ đợi nhưng việc triển khai chậm. Nên gói này không đáp ứng được mục tiêu là đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định thị trường lao động trong lúc khó khăn.

NLĐ đang khó khăn chồng chất khó khăn, nên đây là lúc cần đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ. “Trưa nay Thủ tướng trao đổi với tôi và yêu cầu biểu dương đơn vị làm tốt, đồng thời công khai minh bạch tất cả các đơn vị làm chậm. Đặc biệt, Thủ tướng giao làm rõ hơn nguyên nhân vì sao chậm, do nhận thức, sợ trách nhiệm hay do “đẻ” thêm thủ tục hành chính…” - ông Dung nói.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hiện đã xác nhận trên 3 triệu NLĐ tham gia BHXH nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa giải ngân. Nhiều tỉnh đầu tháng 8 giải ngân được 5% và đến nay vẫn giữ mức này. “Vì sao lại như vậy ?” – ông Dung đặt câu hỏi.

Dẫn chứng gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, ông Dung cho rằng thời điểm đó khó khăn như vậy TP.HCM vẫn làm được, giờ dễ hơn nhiều nhưng vẫn không xong. Phải chăng là khâu tổ chức thực hiện, nhưng ông khẳng định chưa bao giờ thủ tục, tổ chức thực hiện giản đơn như bây giờ. Chỉ xác nhận với nhà chủ, NLĐ... chuyển bảo hiểm xác nhận và chi tiền...

Để triển khai nhanh gói này, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các tỉnh, thành đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp khẩn trương rà soát lập danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ, gửi cơ quan BHXH xác nhận tình trạng tham gia BHXH của NLĐ để hoàn thiện hồ sơ gửi UBND cấp huyện phê duyệt trước ngày 15-8.

Chỉ đạo Liên đoàn Lao động đến làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để nắm bắt tình hình về đối tượng của doanh nghiệp đang thuê nhà. Hướng dẫn doanh nghiệp và NLĐ lập hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Ngày 15-8 là ngày nhận hồ sơ cuối cùng nhưng không phải ngày giải ngân cuối cùng. Nên chưa bước qua ngày 16 thì ai gửi hồ sơ về cũng phải nhận để thẩm định và tiến hành giải ngân: “Gói này lợi thế là có tên, tài khoản ngân hàng, địa chỉ rõ ràng nên làm chậm là không được…”- ông Dung kết luận.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, gói hỗ trợ tiền thuê nhà dự kiến sẽ có trên 3,4 triệu NLĐ được hỗ trợ, với tổng kinh phí khoảng gần 6.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm