Sáng 24-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi với đa số phiếu tán thành. BLDS (sửa đổi) với sáu phần, 27 chương, 689 điều, có hiệu lực từ 1-1-2017.
Cần thêm Luật Chuyển đổi giới tính?
Điểm đáng chú ý nhất BLDS sửa đổi (gọi tắt là BLDS) lần này là chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Cụ thể, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Điều 37 về chuyển đổi giới tính với tỉ lệ tán thành là 80,77% (có 43 đại biểu (ĐB) QH không tán thành (chiếm 8,7%) và bốn ĐB không bỏ phiếu (chiếm 0,81%)).
Điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trao đổi nhanh với Pháp Luật TP.HCMsau khi QH ấn nút thông qua BLDS, một số ĐB cho hay: Mặc dù điều luật đã được thông qua nhưng vấn đề này vẫn còn cần phải chờ một luật riêng (ví dụ như Luật Chuyển đổi giới tính)... thì cá nhân mới có căn cứ để thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLDS sửa đổi, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho hay qua thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định việc xác định lại giới tính là trách nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân đã thực hiện.
Các đại biểu ấn nút thông qua dự thảo BLDS sửa đổi. Ảnh: TP
Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định: Việc đăng ký thay đổi hộ tịch vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cá nhân đã xác định lại giới tính. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan trong việc đăng ký lại thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vì vậy UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định này như trong dự thảo luật.
Cũng theo ông Lý, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Quy định lãi suất tối đa 20%
Liên quan đến lãi suất (quy định tại Điều 468), ông Lý cho biết qua thảo luận, có ý kiến tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong luật là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Có ý kiến đề nghị sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
UBTVQH tán thành với loại ý kiến đầu tiên và đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về mức lãi suất tối đa. Kết quả 278/366 phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay.
Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến đa số ĐB và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, UBTVQH quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.
Do khoản 1 Điều 468 được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu nên UBTVQH đề nghị QH cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”.
Một số điểm mới Bên cạnh các vấn đề nêu trên, BLDS sửa đổi lần này cũng bổ sung một số điều mới về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59). Cụ thể, Điều 23 quy định về năng lực hành vi của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, trong đó chỉnh lý lại quy định về cơ chế giám hộ đối với đối tượng này cho khả thi và phù hợp với mức độ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của nhóm đối tượng này. Cùng với đó, quy định về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được điều chỉnh lại cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn tại các điều 46, 57, 58, 59. |