Bộ máy hành chính cồng kềnh cản trở phát triển

Đây là quan điểm của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP.HCM tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội năm 2017, sáng 24-10.

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng hiện nay có hai yếu tố tạo ra lực cản cho phát triển kinh tế-xã hội. Đó là năng lực dự báo của cơ quan quản lý và bộ máy hành chính quá cồng kềnh.

“Dù Chính phủ cho rằng đã tinh giản được bộ máy hành chính nhưng chưa chạm đúng trọng tâm. Thủ tướng, các phó thủ tướng đã thể hiện rõ vai trò hành động nhưng cấp dưới vẫn chưa thể hiện nhiều. Một số bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng một số bộ chưa, thậm chí nhiều bộ ban hành các quyết định gây phản cảm xã hội, chưa tạo lòng tin với người dân” - ĐB Tâm thẳng thắn.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ, QH có giải pháp huy động nguồn lực trong dân. “Một người dân tuy có nguồn lực ít nhưng cả xã hội thì rất lớn, vậy Chính phủ phải làm sao để tạo được lòng tin với người dân và để họ đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nền kinh tế có nguồn lực để đầu tư” - ĐB Tâm đề nghị.

Cũng theo bà Tâm, Chính phủ cần nhận thức rõ và thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên bất hợp lý, đã đến lúc nhìn thấy tài nguyên cạn kiệt. “Nếu tài nguyên nào còn khai thác được thì cần minh bạch, khai thác bao nhiêu đem lại lợi ích gì cho dân, nhất quyết không để rơi vào lợi ích nhóm” - bà Tâm nói.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc dự báo, đánh giá thiên tai cũng chưa thể hiện đúng bản chất vấn đề. Các cơ quan quản lý chưa lý giải được nguyên nhân để xảy ra thiên tai là do khí hậu hay do lợi ích nhóm chi phối trong khai thác tài nguyên quá mức.

Còn ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, các ĐB sẽ dành thời gian để thảo luận về vấn đề giám sát bộ máy quản lý hành chính. Đây là cơ hội để Chính phủ quyết liệt tinh giản bộ máy hành chính tinh gọn, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực điều hành, giảm chi ngân sách cho bộ máy.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng một số chuyên gia cảnh báo về cân đối thu chi của Việt Nam. Năm 2010, chi thường xuyên chiếm 51% chi ngân sách nhà nước và đến năm 2017 là 70%, trong đó phần lớn chi thường xuyên này để nuôi bộ máy hành chính. “Chúng ta chi hết, ăn hết luôn thì không còn nguồn mà đầu tư phát triển nữa. Hơn nữa chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm. Do đó, cần phải đưa con số này từ từ về 60% và giảm dần nữa” - ông Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm