Tại phiên thảo luận tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) Trần Quốc Vượng nêu vấn đề trong bối cảnh bước vào năm 2017 có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả về kinh tế-xã hội đạt được là đáng ghi nhận.
Theo ông, kết quả này có được từ ba nguyên nhân: Thứ nhất là sự tập trung lãnh đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhân dân.
Thứ hai là năm 2017, Đảng, Nhà nước, Quốc hội tập trung có một số quyết sách giải quyết những vướng mắc, những tồn tại của nền kinh tế để lâu chưa làm được như xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý các dự án… “Tất cả đều được đặt lên bàn của cơ quan lãnh đạo cao nhất, của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đưa ra quyết sách.
Thứ ba là cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được đẩy mạnh, tạo niềm tin cho nhân dân, làm cho tất cả hoạt động trong xã hội dần đi vào nề nếp; cảnh tỉnh phòng ngừa cảnh báo tạo môi trường trong sản xuất, xã hội tốt hơn.
Chủ nhiệm UBKTTƯ Trần Quốc Vượng.
Ông cho rằng mục tiêu GDP tăng 6,7% đòi hỏi từ nay đến cuối năm phải phấn đấu quyết liệt. “Nếu chúng ta đạt được chỉ tiêu này là mỹ mãn. Nhưng nếu cứ bình bình như hiện nay là không thể đạt, phải có đột phá. Cái quan trọng vẫn là vấn đề phát triển bền vững. Các nước bây giờ cũng đặt vấn đề này chứ không phải phát triển bằng mọi giá” - ông nói.
Về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2018, ông Vượng đề nghị lưu ý cần phát huy nội lực của đất nước, nhất là kinh tế tư nhân. Ông đồng thời đề nghị cần có cơ chế để huy động nguồn lực trong dân vì “vốn trong dân hiện lớn lắm, vàng, ngoại tệ, tiền đồng găm trong dân rất lớn. Làm sao ta huy động được cái này”.
Liên quan việc huy động nguồn lực xã hội bằng hình thức BOT, Chủ nhiệm UBKTTƯ nhận định “chủ trương BOT là rất đúng” vì đây chính là huy động nguồn lực của xã hội để làm hạ tầng. “Đây chính là huy động nguồn lực. Quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là tay không bắt giặc. Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh” - ông nói.
Ông cho rằng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì không có cách nào khác ngoài huy động nguồn lực xã hội để làm hạ tầng.