Bố mẹ vô tình dạy con thành người bất hạnh

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thúy Lê, công tác trong ngành giáo dục tại TP HCM, về những cách dạy của bố mẹ có thể khiến trẻ hình thành tính cách, tư duy tiêu cực.

Ngồi chờ đón con về, tôi ngồi cạnh một cặp mẹ con đang chờ vào lớp kế tiếp và không gian văn phòng im ắng đủ để mình chợt nghe câu chuyện của họ. Người mẹ nói: "Lát vô lớp học ngoan, phải dành nhiều sticker hơn Minh Hạnh nhé! Con phải giỏi hơn Minh Hạnh, nhà nó sao được như nhà mình, con không được thua nó". Cô con gái khoảng 7 tuổi im lặng, vẫn xem cái gì đó trên iPad.

Một lần khác, khi cho con ra công viên gần nhà, lúc con tung tăng chạy nhảy với các bạn, tôi ngồi xem báo, thỉnh thoảng ngước lên quan sát con và bỗng giật mình bởi tiếng quát của một bà mẹ ngồi gần đó: "Đã bảo là không được lại gần con bé đấy, nó bạo lực, học thì dốt, người lúc nào cũng bẩn, bố mẹ chả ra gì... Cứ chơi với lũ đấy thì học được cái gì. Mẹ không muốn con chơi với loại đấy! Ở nhà đã dặn rồi, ra đây lại cứ sán vào".

Đứa trẻ mặt bí xị, lí nhí nói: "Con xin lỗi mẹ". Người mẹ lại dạy thêm: "Con xin lỗi mẹ thì được chứ không xin lỗi lung tung, lời xin lỗi nó nặng lắm biết không? Tại sao mình phải hạ thấp mình vậy, không việc gì phải xin lỗi người khác nếu mẹ chưa cho phép".

Thấy tôi nhìn sang, người mẹ liền bắt chuyện và kể: Con gái chị 9 tuổi nhưng vẫn được mẹ chăm rất kỹ: mẹ tắm cho, chỉ được ăn đồ mẹ cho là an toàn và đồ mẹ nấu, không ăn được cơm ở trường, không bao giờ đi taxi vì taxi bẩn. Chị còn dặn tôi: "Em phải dạy con chọn bạn mà chơi, chơi với bạn thể hiện đẳng cấp đó, chơi với tụi nghèo chả được gì. Con chị nói hoài mà nó không để ý, bực muốn chết".

Người mẹ còn khoe thêm: "Con chị đi học cô không bắt nạt được đâu vì chị dặn nó cô mà có gì thì về méc mẹ liền. Mấy bữa trước, trường con chị cho học sinh đi từ thiện nhưng nó không đi vì ở mấy chỗ đó chắc không sạch. Chị thấy con nói vậy là đúng, đến đó mất công lây bệnh".

Khi chị ấy đi về, tôi ngồi nghĩ mông lung, liệu sau này cô bé đó hoà nhập thế nào khi ra môi trường xã hội

 Ảnh minh họa.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã được ông trời ban cho một cá tính riêng, song tính cách của trẻ con bị ảnh hưởng rất nhiều từ cách tư duy của người lớn, nhất là bố mẹ - người trẻ tiếp xúc và gần gũi mỗi ngày.

Kiến thức có thể bồi đắp được ở từng thời điểm nhưng tính cách và nhân cách của trẻ phải rèn cả một quá trình lâu dài. Khi tính cách và cách tư duy trong suy nghĩ đã hình thành, rất khó để thay đổi.

Dạy trẻ cầu tiến không phải là dạy trẻ ganh đua. Đừng dạy con so sánh để ganh đua vì như vậy vô tình dạy cho con tính ganh tỵ.

Dạy trẻ cách nhận biết đúng - sai không có nghĩa là phê phán người khác. Giúp trẻ nhận thức đâu là sự việc đúng, đâu là điều không nên làm và học theo nhưng đừng dạy trẻ lên án sự việc một cách gay gắt và tiêu cực.

Dạy trẻ "xin lỗi" không có nghĩa là hạ thấp giá trị bản thân mà là biết sai để sửa chữa, biết lỗi để tiến lên. 

Dạy trẻ suy nghĩ tích cực và đơn giản hóa vấn đề để giải quyết, đừng dạy trẻ cố chấp, tiêu cực như cách nghĩ của người lớn chúng ta. 

Dạy trẻ thân thiện, cởi mở, hòa đồng, biết chia sẻ và cảm thông bởi như thế giúp trẻ sống nhân ái hơn.

Hãy dạy trẻ các quy tắc chuẩn trong ứng xử xã hội, đừng dạy con chỉ sống theo nhu cầu của mình mà quên đi mọi người xung quanh. Thương con là giúp con sống tự lập, không ỷ lại, dựa dẫm người khác ngay từ khi còn bé. 

Thương con đúng cách là một cách tốt để giúp con sống hạnh phúc hơn khi đã trưởng thành. Có những việc ta nghĩ nó đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cả cuộc đời sau này của con. Chúng ta nhìn lại những gì đã qua, ngẫm lại sự việc quanh ta để đúc rút mà hướng dẫn con cái mình. Kỹ năng mềm của mỗi con người là cả một quá trình được rèn luyện lâu dài ngay từ bé. Số phận mỗi người cũng phụ thuộc khá nhiều vào cách suy nghĩ và tư duy. 

Nhiều người luôn thấy mình thua thiệt và bất hạnh bởi tính ganh tỵ mà ra, bởi luôn không hài lòng với những gì mình có, so sánh quá nhiều với xung quanh. Các bố mẹ hãy tìm cho mình một cách để trang bị cho con kỹ năng sống hạnh phúc, giúp các con luôn lạc quan với cuộc sống.

Theo Thuý Lê (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm