Bộ Nội vụ đề xuất các trường hợp thôn, tổ dân phố thuộc diện sáp nhập

(PLO)- Để lập thôn mới, tổ dân phố mới thì phải đáp ứng các điều kiện về số hộ gia đình, điều kiện về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong nhân dân.

Dự thảo quy định thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã. Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (gọi chung là tổ dân phố) được tổ chức ở phường, thị trấn.

Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định

Bộ Nội vụ nhấn mạnh thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp, đại diện để phát huy các hình thức hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, tổ chức Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Mỗi thôn có trưởng thôn, mỗi tổ dân phố có tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định. Ảnh: QH

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định. Ảnh: QH

Căn cứ vào quy mô dân số, đặc điểm của từng loại thôn, tổ dân phố UBND cấp tỉnh quy định cụ thể số lượng phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố cho phù hợp nhưng mỗi thôn, tổ dân phố không vượt quá hai người.

Phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sau khi xin ý kiến của chi bộ và thống nhất với trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố.

Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã quyết định công nhận phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố.

“Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định” – dự thảo của Bộ Nội vụ nêu rõ.

Những điều kiện để lập thôn mới, tổ dân phố mới

Cũng theo dự thảo, để lập thôn mới, tổ dân phố mới thì phải đáp ứng các điều kiện về số hộ gia đình, điều kiện về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

Cụ thể, quy mô số hộ gia đình đối với thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 200 hộ gia đình trở lên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 400 hộ gia đình trở lên, các tỉnh miền Trung có từ 350 hộ gia đình trở lên, các tỉnh miền Nam có từ 450 hộ gia đình trở lên và các tỉnh Tây Nguyên có từ 250 hộ gia đình trở lên.

Riêng đối với thôn ở xã biên giới, xã đảo, ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

Còn đối với tổ dân phố ở phường, thị trấn: Tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 300 hộ gia đình trở lên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 450 hộ gia đình trở lên, các tỉnh miền Trung có từ 400 hộ gia đình trở lên, các tỉnh miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên, các tỉnh Tây Nguyên có từ 350 hộ gia đình trở lên

Tổ dân phố ở phường, thị trấn biên giới, phường, thị trấn hải đảo, tổ dân phố ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã phải có từ 150 hộ gia đình trở lên. Riêng TP Hà Nội, TP.HCM phải có từ 600 hộ gia đình trở lên mới được xem xét lập tổ dân phố mới.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 70% như quy mô số hộ gia đình nêu trên phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề. Trong quá trình sáp nhập cần xem xét đến các yếu tố về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; về vị trí địa lý, địa hình.

Ngoài ra, đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập đồng ý. Tên của thôn, tổ dân phố do thành lập mới hoặc sáp nhập không được trùng với tên của thôn, tổ dân phố hiện có trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã. Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện theo nguyện vọng của Nhân dân hiện đang sinh sống tại thôn, tổ dân phố.

Nhiều trường hợp đặc thù

Trong dự thảo, Bộ Nội vụ cũng nêu ra các trường hợp đặc thù như thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, thôn hình thành do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thôn nằm ở nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, thôn nằm biệt lập trên các đảo… thì quy mô thôn, tổ dân phố do UBND cấp tỉnh quy định.

Trường hợp ở khu vực biên giới, hải đảo cách xa đất liền, do việc di dân hoặc để bảo vệ đường biên giới, chủ quyền biển đảo thì việc thành lập thôn, tổ dân phố không áp dụng quy định về quy mô số hộ gia đình nêu ở trên.

Thôn, tổ dân phố đã hình thành từ lâu do xâm canh, xâm cư cần thiết phải chuyển giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi đường địa giới hành chính cấp xã thì thực hiện giải thể và thành lập mới thôn, tổ dân phố theo quy định.

Trường hợp không đạt quy mô về số hộ gia đình thì thực hiện ghép cụm dân cư theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm