Bộ pháp điển - giới nghiên cứu luật cần biết

Ngày 6-11, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Theo báo cáo, phạm vi rà soát là các văn bản QPPL của các cơ quan trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30-6), trừ Hiến pháp, trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Ngoài việc rà soát theo diện rộng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, đợt rà soát này còn tập trung vào một số chuyên đề như: Gia nhập thị trường, thực hiện dự án đầu tư, tài chính, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng kinh doanh bất động sản; Lao động, việc làm và an sinh xã hội
Tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, nhóm rà soát của tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản (bao gồm 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội, 44 pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 1163 nghị định của Chính phủ, 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thứ trưởng cơ quan ngang bộ).


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NGÂN NGA

Thực tế áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các quy định.
Có trường hợp chính cơ quan ban hành văn bản cũng không xác định được giá trị hiệu lực của văn bản QPPL do mình ban hành. Thậm chí các cơ quan nhà nước có quan điểm khác nhau về hiệu lực của một văn bản QPPL cũng là hiện tượng không hiếm thấy. Với một hệ thống văn bản QPPL như hiện nay, khó có thể tránh khỏi nội dung các văn bản QPPL có mâu thuẫn, chồng chéo.
Như vậy, hoạt động pháp điển hiện nay ở Việt Nam hiện nay là pháp điển về hình thức. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp đầy đủ các QPPL đang còn hiệu lực vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý, chưa đặt ra việc sửa đổi, bổ sung các QPPL hay thay thế hệ thống văn bản QPPL hiện hành.
Việc lựa chọn pháp điển về hình thức là phù hợp với thực trạng hệ thống pháp luật cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Với khối lượng văn bản lớn, thường xuyên thay đổi, nếu thực hiện pháp điển về nội dung sẽ khó khả thi.
Thực hiện pháp điển về hình thức có thể đáp ứng được yêu cầu cấp bách là xây dựng một Bộ pháp điển tập hợp theo một trật tự hợp lý toàn bộ các QPPL để phục vụ nhu cầu tra cứu trong áp dụng, thực hiện pháp luật.
Còn việc sửa đổi, bổ sung các QPPL hiện hành vẫn tiến hành theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL bình thường. Khi có văn bản mới được ban hành, có văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ thì sẽ cập nhật vào Bộ pháp điển.


Ông Nguyễn Duy Thắng (Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản). Ảnh: NGÂN NGA

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Thắng (Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản) đã giới thiệu khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển.
Tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định: “Pháp điển hệ thống QPPL là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.
Theo đó, văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành được sử dụng để pháp điển gồm các văn bản sau:
Luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND Tối cao với Viện trưởng VKSND Tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Các văn bản QPPL khác được ban hành trước ngày Luật ban hành văn bản QPPL ngày 03 tháng 6 năm 2008 có hiệu lực.
Bộ pháp điển của Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển - phapdien.moj.gov.vn.
Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới