Bộ Quốc phòng vừa có báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 09/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.
Lực lượng chức năng tuần tra biên giới - Ảnh minh họa
Bên giới Việt – Trung là tuyến trọng điểm
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, tội phạm mua bán người (TPMBN) có diễn biến phức tạp tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Bộ Quốc phòng nhận định tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là tuyến trọng điểm nhất về hoạt động của TPMBN. Địa bàn biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc vừa là nơi trực tiếp xảy ra tội phạm, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ các tỉnh, thành phố trong cả nước sang Trung Quốc.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các đối tượng tìm cách lừa gạt nạn nhân cư trú ở các huyện biên giới đưa ra các tỉnh phía Bắc bán sang Trung Quốc.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động mua bán người diễn ra theo hai chiều, vừa lừa bán nạn nhân người Việt Nam sang Campuchia, vừa trung chuyển nạn nhân từ Campuchia đưa qua Việt Nam để bán sang Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng phạm tội thường lừa gạt nữ thanh niên bằng cách giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, mang vác hàng hóa, đi du lịch, thăm thân, qua lại biên giới một vài lần tạo lòng tin. Sau đó, nhóm tội phạm chuyển giao nạn nhân cho người Trung Quốc để bán vào các động mại dâm hoạt động dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu, vùng xa để bán làm vợ bất hợp pháp.
Thời gian gần đây, tội phạm triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thông qua điện thoại di động, mạng xã hội (Zalo, Facebook…) sử dụng nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, môi giới tìm việc làm, môi giới hôn nhân, vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân ra nước ngoài vì mục đích bóc lột lao động, kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục….
Bên cạnh đó, họ tạo nhóm, diễn đàn kín trên mạng xã hội với hình thức môi giới mua - bán trứng, đẻ thuê... nhưng thực chất là dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang Trung Quốc mang thai hộ.
Một số đối tượng còn trực tiếp đến các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới để tìm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đang có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn để đưa sang Trung Quốc sinh và bán trẻ sơ sinh.
Ba bị can trong một vụ mua bán người tại Nghệ An bị khởi tố hồi tháng 8-2019
Nhiều người lợi dụng sơ hở của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để “thu mua” trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa, rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài bán.
“Điển hình, cuối tháng 7, đầu tháng 8-2019, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn xác lập và đấu tranh thành công ba chuyên án, bắt bốn người, giải cứu ba trẻ sơ sinh từ 7-10 ngày tuổi…”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng thông tin.
Ông bán cháu, chồng bán vợ
Theo Bộ Quốc phòng, một số người từng là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài làm mại dâm hoặc lấy chồng khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán, kể cả người thân trong gia đình...
“Có trường hợp không lừa gạt được người ngoài đã gán luôn người thân của mình, như ông bán cháu nội, chồng bán vợ vì trót hứa và nhận tiền với người Trung Quốc để tìm phụ nữ, trẻ em... Có cả cán bộ cơ sở vì ma lực của đồng tiền cũng thực hiện hành vi mua bán người ...”, Bộ Quốc phòng thông tin.
Nạn nhân của TPMBN không chỉ có phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai... Tuy nhiên, nạn nhân của TPMBN chủ yếu vẫn là phụ nữ, độ tuổi từ 16 đến 28, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, không có việc làm ổn định, muốn lấy chồng nước ngoài để được đổi đời hoặc các em gái ở tuổi mới lớn dễ tin, thích du lịch, khám phá nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, từ năm 2013 đến tháng 6-2019, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 487 vụ/1.154 người: “Trong đó, lực lượng biên phòng giải cứu 613 nạn nhân…”, Bộ Quốc phòng khẳng định.