Bổ sung quy định không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Chiều 12-6, các ĐBQH thảo luận tại hội trường (vòng 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế cho biết, về thời hạn của Nghị quyết, nhiều ý kiến nhất trí với thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm. Ủy ban Thường vụ QH nhìn nhận để bảo đảm cho quá trình triển khai được hiệu quả, Nghị quyết cần có thời gian đủ dài để các chính sách mới được thực thi trong thực tiễn, do đó đề nghị QH cho phép thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm như đề nghị của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ HồngThanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu, bổ sung về các nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.  

Về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Điều 22 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Theo quy định tại Nghị quyết, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên.

Như vậy, việc tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm