Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế đánh vào xăng, dầu

(PLO)- Việc giảm thuế được xác định là “góp phần giảm giá xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế”
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-6, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng, dầu.

Điều này được Bộ Tài chính xác định là nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính không cho biết mức giảm thuế TTĐB, thuế GTGT được đệ trình Thủ tướng là bao nhiêu.

Hiện nay, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Tổng Cục Thuế và Tổng cục Hải quan cho hay số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỉ. Thuế giá trị gia tăng 5 tháng đầu năm 2022 khoảng 13.358 tỉ.

Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỉ, thuế giá trị gia tăng thu được khoảng 19.797 tỉ. Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỉ, thuế giá trị gia tăng thu được khoảng 33.155 tỉ.

Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 120USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 10.488 tỉ (bình quân 1.498 tỉ/tháng), thuế giá trị gia tăng ước thu khoảng 21.623 tỉ. Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỉ và thuế giá trị gia tăng dự kiến khoảng 34.981 tỉ.

Bộ Tài chính cũng cho hay kinh nghiệm chính sách của các nước cho thấy để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, các nước đã thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng nước.

Biện pháp giảm thuế được nhiều nước áp dụng như Bỉ, Ba Lan, Croatia giảm thuế giá trị gia tăng; Australia, Thái Lan, Hà Lan... giảm thuế TTĐB.

Một số nước có chính sách trợ giá năng lượng bằng ngân sách cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp và trung bình.

Đơn cử như Pháp hỗ trợ 2 tỉ EUR, tương đương 7,7% giá xăng dầu; Nhật Bản gia hạn chương trình trợ cấp khẩn cấp đối với xăng và các nhiên liệu khác đến cuối tháng 9-2022 và nâng mức trần trợ cấp từ 25 lên 35 yên (0,27 USD)/lít.

Một số nước áp dụng biện pháp về chi tiêu, hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt (Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…); gói hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà buôn bán dầu (Nhật Bản).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm