“Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị của Bộ GTVT về việc lùi thời gian thu phí đường bộ với các dự án BOT là chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT”. Chiều 7-1, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo nêu ý kiến của bộ này về việc nhiều trạm thu phí cầu đường đồng loạt tăng phí vào đầu năm 2016.
Pháp Luật TP.HCM liên tiếp có các bài viết phản ánh việc tăng phí giao thông từ đầu năm gây nhiều phản ứng từ phía người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh chỉ số giá (CPI) thực tế thấp hơn nhiều so với mức dự kiến ở các hợp đồng BOT, giá xăng dầu giảm thì việc tăng phí càng không ổn.
Thông cáo của Bộ Tài chính cho rằng Bộ GTVT quyết định từng dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên các tuyến quốc lộ. Cụ thể, Bộ GTVT quyết định từ việc lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BOT, khai thác kinh doanh và mức thu, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.
Đến khi dự án hoàn thành, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí cho từng dự án với mức thu, thời gian thu cũng như lộ trình tăng phí...
Theo lộ trình, từ 1-1-2016, 23 trạm thu phí trên quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 20… đoạn qua các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên và Thái Bình được tăng phí.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị 23 trạm thu phí trên lùi đến ngày 1-6 mới tăng. “Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị này chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng, cam kết với nhà đầu tư; đồng thời cũng không thể ban hành thông tư lùi ngay được” - thông cáo nêu.
Ngoài ra, hiện cả nước có 53 trạm thu phí nhưng Bộ GTVT chỉ đề nghị 23 trạm lùi và lại đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn bảy dự án sắp hoàn thành với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT đánh giá lại về tổng mức thu, thời gian thu, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân... ở các dự án. Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục lắng nghe ý kiến của tổ chức, cá nhân để trao đổi với Bộ GTVT nghiên cứu, điều chỉnh chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.