Với một số nơi không có cơ quan hải quan kiểm soát hoặc tại các lối mòn, lối mở, Bộ Tài chính đề xuất để cho lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban 389) kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Đối với các xe đang lưu thông trên thị trường, Bộ Tài chính đề xuất UBND tỉnh, TP chỉ đạo thống kê để kiểm soát số lượng xe máy còn tồn kho và quản lý thuế. Trường hợp sau khi các cơ quan chức năng kiếm tra đã thống kê và kiểm soát số lượng, nếu phát sinh số lượng xe mới nhập thêm thì phải thống kê số lượng báo cáo với cơ quan thuế để cơ quan thuế theo dõi và quản lý theo quy định. Trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện không có hóa đơn, chứng từ, Bộ Tài chính đề xuất các cơ quan thực hiện xử phạt theo đúng các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp sử dụng xe máy điện vi phạm giao thông để tạo sức ép cho người dân đến đăng ký xe cũng như kiểm tra được tình hình đăng ký xe máy điện.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2010-2015, tổng số lượng xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước là 16.722 chiếc và xe nhập khẩu là 2.091 chiếc. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công an cho thấy trong thời gian qua có hàng triệu xe máy điện không rõ nguồn gốc hợp pháp đang lưu hành. |