Bộ TN&MT cảnh báo hạn nặng nhiều vùng trên cả nước

Theo Bộ TN&MT, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối trên phạm vi cả nước là rất thấp so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019.

Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn không nhiều, chỉ từ 40%-75% dung tích. Có nơi chỉ được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70%-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40%-50% dung tích.

Quan trọng như hồ thủy điện Hòa Bình cũng ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước tại đồng bằng Bắc bộ, từ cuối năm 2019, liên bộ TN&MT, Công Thương, NN&PTNT đã họp thống nhất phương án điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa theo từng giai đoạn cụ thể: cuối mùa lũ, đầu mùa cạn; đầu mùa cạn; trước các đợt xả nước gia tăng và từ nay đến các tháng cuối mùa cạn.

Tinh thần là sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước, đã bảo đảm cấp đủ nước cho vụ đông xuân. Đến nay, nguồn nước còn lại trong các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có thể bảo đảm đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Bộ TN&MT bàn giao công trình nước sạch tại Cà Mau.

Đối với ĐBSCL, Bộ TN&MT nhận định tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng, cần tiếp tục chủ động phòng chống hạn hán, xâm mặn. Theo ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên Nước, Bộ TN&MT, với các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đến giờ này, hạn mặn của ĐBSCL vượt lịch sử năm 2016, tuy nhiên thiệt hại thấp hơn rất nhiều so với hạn mặn lịch sử năm 2016.

“Tuy nhiên, hiện nay có 1 thực tế diễn ra là thiếu nước sinh hoạt cho khoảng gần 100.000 hộ dân, nằm ở những khu vực vùng sâu vùng xa, không phải nơi tập trung dân cư đông, ở những khu nhỏ lẻ” - ông Vĩnh nói.

Đối với các lưu vực sông thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, vừa qua các cơ quan của Bộ TN&MT đã chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai… để góp phần vừa cấp nước cho hạ du, vừa bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, nhất là chuẩn bị bước vào thời kỳ nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước, sử dụng điện tăng cao.

“Mặc dù từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn, 11 lưu vực sông đều xảy ra tình trạng thiếu nước, nguồn nước các hồ chứa là rất hạn chế như đã nói ở trên nhưng tính đến nay, về tổng thể, chỉ còn một vài lưu vực vẫn còn nguy cơ thiếu nước, nhưng nếu được điều tiết hợp lý thì vẫn có thể đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại” - lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước thông tin.

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai)…, hiện Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các hộ điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.

Ngày 1-4, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã có văn bản gửi các tỉnh ĐBSCL về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, bộ trưởng TN&MT đề nghị các tỉnh chủ động các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, ưu tiên cao nhất đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Văn bản cũng cho biết Bộ TN&MT sẽ thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người dân, Bộ TN&MT cũng hỗ trợ 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau) mỗi tỉnh 800 triệu đồng thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm