Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là bộ trưởng thứ hai bước lên vị trí trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 15-11. Bộ trưởng Trần Hồng Hà hứa sẽ cố gắng trả lời đầy đủ nhất những câu hỏi của các đại biểu nhưng cũng nói rằng: Có thể phần trả lời của ông sẽ còn thiếu sót.
“Tôi xin trân trọng lắng nghe những câu hỏi của các đại biểu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết thúc phần phát biểu ngắn của mình trước khi lắng nghe và trả lời chất vấn của các đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích với các đại biểu rằng: Các bộ trưởng khi lên trả lời chất vấn sẽ có thêm một thư ký để phụ trách ghi câu hỏi của các đại biểu để không sót một câu hỏi nào của đại biểu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về Formosa". Ảnh: CHÂN LUẬN
Sáu đại biểu được Chủ tịch Quốc hội mời đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Đáng chú ý có hai đại biểu đặt câu hỏi về sự cố Formosa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ lo lắng về sự cố Formosa có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của Quảng Bình. Ông Phương đặt câu hỏi: “Cơ sở nào để đảm bảo vững chắc việc Formosa không gây ô nhiễm trong tương lai?”.
Ông Phương cũng đặt câu hỏi cho bộ trưởng Bộ NN&PTNT về vấn đề hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố Formosa. “Việc đền bù đã sưởi ấm lòng dân nhưng mới chỉ có bảy đối tượng được hỗ trợ trong sáu tháng. Còn nhiều đối tượng khác chưa được hỗ trợ. Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?” - ông Phương đặt câu hỏi.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cũng chung nỗi lo lắng như đại biểu Phương. Ông Thắng đặt vấn đề rằng: Hiện tượng phát triển công nghiệp và làng nghề không bền vững, mà đỉnh điểm là sự cố Formosa vừa gióng lên hồi chuông về vấn đề này.
“Tôi rất lo lắng khi bộ trưởng nêu “khả năng chịu đựng của môi trường đã tới hạn”. Đâu là trách nhiệm của Bộ trong quản lý nhà nước?. Làm thế nào để đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường trong tương lai?” - ông Thắng hỏi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng: ĐTM thông thường doanh nghiệp (DN) mới chỉ đề cập đến một nội dung, còn tổng thế tác động của các hạng mục trong cả một khu liên hợp công nghiệp thì còn nhiều vấn đề. Bộ trưởng nói về tiêu chí ĐTM 2005 và ĐTM 2014 để cho thấy những chủ thể khác nhau trong việc xây dựng ĐTM. Theo đó, trách nhiệm đối với ĐTM theo tiêu chí năm 2014 gắn với DN.
“Chúng ta cần danh mục và cách kiểm soát chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định và nói: Có thể Bộ TN&MT sẽ kiến nghị sửa luật về môi trường để thay đổi cách tiếp cận, đánh giá tác động môi trường, kể cả từ khâu phòng ngừa.
Việc giám sát môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do nhân lực và tài chính cũng chưa đáp ứng thật đầy đủ. Bộ trưởng cũng đề cập đến các công cụ khác để tiến hành đánh giá ĐTM như thanh tra, kiểm tra…
Nhận thấy Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời hơi dàn trải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời và nói bộ trưởng cần trả lời rành mạch, rõ ràng và tập trung hơn. Nếu có các nhóm vấn đề trùng nhau của các đại biểu thì cần trả lời một cách tuần tự nhưng không lặp lại.
Trả lời đại biểu Phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng: Bộ TN&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm về Formosa. Khi chỉ ra được các sai phạm và nguồn gây ô nhiễm của Formosa thì vấn đề trách nhiệm của Bộ TN&MT đã rất rõ. Bộ TN&MT đã thành lập hội đồng liên ngành để cùng xem xét và đánh giá, yêu cầu phía Formosa khắc phục và có lộ trình xử lý cụ thể.
Nguồn thải từ Nhà máy Formosa và các khu vực lân cận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay đều có quy trình xử lý cụ thể và có biện pháp phòng ngừa sự cố, thông qua các thiết bị tự động.
Công nghệ của Formosa còn một số tồn tại và Bộ TN&MT đã yêu cầu Formosa phải xử lý triệt để. Ống xả thải cũng được yêu cầu phải đáp ứng được tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc.
"Nước thải, chúng tôi đã yêu cầu phải thả cá hoặc một vài loại thực vật để chứng minh độ an toàn. Formosa đã cam kết sẽ xây dựng một nhà máy an toàn, bền vững" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đối với chất thải rắn và bùn thải nguy hại thì Bộ TN&MT yêu cầu khi chưa ký được hợp đồng tiêu hủy, xử lý với các DN có năng lực, thì phải lưu giữ trong kho theo quy định. "Hiện đối với bùn thải và chất thải công nghiệp thì Formosa đã ký kết hợp đồng lưu giữ với các DN" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Bộ trưởng cũng đề cập đến những biện pháp khác để đảm bảo rằng: Formosa sẽ không gây ra sự cố trong tương lai.