Hoạt động vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái, TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: 3 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu năm 2024

(PLO)- Những tín hiệu vui từ kết quả đạt được trong năm 2023 đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 này.

“Ngay từ tháng đầu năm Giáp Thìn 2024, Việt Nam (VN) đã đón nhiều tín hiệu vui về sản xuất công nghiệp với sự tăng trưởng lên tới hai con số. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 đạt kỷ lục 66,22 tỉ USD, tiếp tục xuất siêu với 2,92 tỉ USD”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM như vậy trong cuộc trò chuyện đầu xuân và nhận định năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của VN.

bo-truong-cong-thuong-nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: BCT

Ghi nhận sự phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu

. Phóng viên: Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những tín hiệu vui, thuận lợi của tình hình xuất nhập khẩu của VN mà ông vừa đề cập?

+ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để đưa ra nhận định này, Bộ Công Thương đã đánh giá tất cả yếu tố thuận lợi và khó khăn.

Cuối năm 2023, kết quả xuất nhập khẩu đã có sự phục hồi đáng kể. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của VN sẽ tiếp tục đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của nước ta.

Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng, tiêu dùng. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ đang dần được khắc phục. Quan hệ VN - Mỹ vừa được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, điều này hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.

Tất nhiên, về khó khăn thì kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro khó đoán định như lạm phát, chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn... Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Bên cạnh đó, các yếu tố an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai... cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: 3 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu năm 2024
Hoạt động vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Sớm mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông

. Vậy Bộ Công Thương sẽ có những hỗ trợ gì để thúc đẩy xuất khẩu đạt kết quả tốt hơn nữa trong năm 2024?

+ Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu; tham mưu các giải pháp để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, bộ sẽ tham mưu với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sớm ký FTA với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỉ USD. Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Việc này nhằm đảm bảo cao nhất lợi ích của VN trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế.

bo-truong-cong-thuong-UAE.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 24-1-2024. Ảnh: BCT

Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2024, bộ cũng tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2025.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, không để xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa ở khu vực cửa khẩu, kể cả vào thời điểm cao vụ…

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho người dân, doanh nghiệp

. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành công thương là đảm bảo an ninh cung cấp điện cho đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân. Việc này được thực hiện như thế nào trong năm nay?

+ Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, chúng tôi đã đánh giá và phê duyệt phương án điều hành cung cấp điện năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3376 phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 7) để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia trong trường hợp nhu cầu sử dụng điện tăng cao (khoảng 9,6%) và tình hình thủy văn không thuận lợi.

bo-truong-cong-thuong-lam-viec-EVN.jpg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm, chúc tết và kiểm tra công tác cấp điện dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: BCT

Bộ Công Thương cũng có các chỉ đạo với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và các đơn vị liên quan về các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2024, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu điện...

Theo tính toán, về cơ bản hệ thống điện quốc gia sẽ đáp ứng cung ứng điện phần lớn thời gian trong năm. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra các diễn biến cực đoan có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện, việc điều tiết nhu cầu phụ tải điện có thể sẽ được thực hiện tại một số thời điểm trong ngày để đảm bảo an ninh cung ứng điện.

. Xin trân trọng cảm ơn ông.

Năm thứ tám Việt Nam đạt xuất siêu kỷ lục

Năm 2023, trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách, ngành công thương đã cố gắng vượt qua và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp đang từng bước phục hồi tích cực. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực. Ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra.

bo-truong-bo-cong-thuong-nguyen-hong-dien-3-nhiem-vu-trong-tam-thuc-day-xuat-khau-nam-2024-1.jpg
Kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2023 có sự phục hồi tích cực, đặc biệt cán cân thương mại năm thứ tám liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (28 tỉ USD), gấp gần ba lần so với năm trước... Ảnh: TTXVN

Thương mại trong nước duy trì mức tăng trưởng khá (9,6%), vượt mục tiêu đề ra, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Yếu tố này đã trở thành điểm sáng của kinh tế vĩ mô và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh với tổng doanh thu đạt 20,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước, giữ vững vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Đồng thời, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực, đặc biệt cán cân thương mại năm thứ tám liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (28 tỉ USD), gấp gần ba lần so với năm trước...

*********

Phát triển kinh tế xanh là nhiệm vụ chiến lược, cấp bách

Hiện nay, “kinh tế xanh, giảm phát thải” đang là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo tuyên bố tại Hội nghị COP26, các quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định, chính sách mới nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế về định giá carbon.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đã ban hành chính sách về điều chỉnh biên giới carbon (gọi tắt là CBAM). Khi đó, một số loại hàng hóa khi nhập khẩu vào châu Âu phải chi trả để mua tín chỉ carbon nếu mức phát thải lớn hơn tiêu chuẩn của cùng loại hàng hóa đó được sản xuất tại châu Âu.

phat-trien-kinh-te-xanh.jpeg
Mục tiêu phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là các nhiệm vụ vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược, đây cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển bền vững. Ảnh: BCT

Theo quy định của CBAM, một số mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu của VN như thép, phân bón, xi măng… bắt đầu chịu sự điều chỉnh của cơ chế này từ tháng 10-2023.

Trước yêu cầu mới này, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiệm vụ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm.

Bộ cũng ban hành Thông tư 38/2023 quy định về quy trình kỹ thuật đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê phát thải khí nhà kính của ngành công thương. Đây là công cụ giúp các doanh nghiệp kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các quy định của VN và quốc tế về giảm phát thải carbon…

Mục tiêu phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là các nhiệm vụ vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương trong vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN

Đọc thêm