Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Hội tụ trí tuệ, hướng tới tương lai

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Hội tụ trí tuệ, hướng tới tương lai

(PLO)- Bước vào một năm làm việc mới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ quyết tâm đóng góp vì sự phát triển của đất nước trong năm 2024.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng: Năm 2024 là năm có rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang chờ đợi. Với cương vị là người đứng đầu một ngành quan trọng, Bộ trưởng nói: “Càng trong khó khăn lại càng cần hơn nữa sự tham mưu trí tuệ, đột phá của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

Giảm 12.000 dự án dùng ngân sách xuống dưới 5.000 dự án

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông xác định phương châm gì cho ngành KH&ĐT trong năm mi?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Hội tụ trí tuệ, hướng tới tương lai

+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Với những yêu cầu rất cao của năm 2024 và giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, ngành KH&ĐT xác định phương châm “Hội tụ trí tuệ - Hướng tới tương lai”. Chúng tôi sẽ không chỉ nghiên cứu, tìm phương án ứng phó mà chủ động nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển. Bộ cũng sẽ tìm ra hướng đi mới, động lực mới để hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2030 và năm 2045 Đại hội Đảng XIII đã đặt ra.

. Tổng kết một năm vừa qua, đâu là kết quả nổi bật của ngành KH&ĐT, thưa ông?

+ Có thể nói rằng tình hình thế giới trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là vài năm gần đây, có những biến động hết sức khó lường. Tuy nhiên, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật mang tính lịch sử.

Những thành tựu này đã nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam, tạo vận hội, thời cơ thuận lợi mới để cả nước chuyển mình theo các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra. Đó là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ cắt giảm khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020. Đến nay chỉ còn ba chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Trong thành tựu chung của đất nước, năm qua ngành KH&ĐT tiếp tục phát huy hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai.

Chẳng hạn, chúng tôi đã nỗ lực khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… Đây chính là các “quả đấm thép” đột phá cho hạ tầng của đất nước và các địa phương.

Bộ cũng đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020. Đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, bộ đã cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025. Qua đó để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.

p23-anh chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM, vào chiều 12-2. Ảnh: VGP

Thống nhất trên dưới một lòng

. Với những thành tựu đạt được trong năm qua, Bộ trưởng đúc kết được nhng gì trong qun lý, điu hành và trin khai công vic cho năm 2024?

+ Tôi vắn tắt năm bài học kinh nghiệm. Trước hết là không ngừng rèn luyện bản lĩnh, luôn kiên trì, kiên định, đấu tranh vượt qua tư duy bảo thủ, trì trệ, ngại thay đổi, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết trong công tác tham mưu chính sách, triển khai nhiệm vụ được giao.

Hai là quán triệt nghiêm, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tham mưu chính sách và tổ chức triển khai thực hiện.

Ba là bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy trí tuệ tập thể, khát vọng phát triển, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đổi mới sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung; không lồng ghép lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần đó thì không có khó khăn nào chúng ta không thể vượt qua, không có thách thức nào chúng ta không dám đối mặt.

Bốn là theo sát, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả trong tham mưu chính sách, triển khai công việc, nhiệm vụ được giao.

Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực tài chính, chuyên gia, nhà khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách.

Loại bỏ hàng ngàn giấy phép con trong kinh doanh

Từ khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, chúng ta nhìn thấy những tác động tích cực. Đó là cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong một quy hoạch tỉnh duy nhất.

Việc này đã khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương. Vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

Công tác kế hoạch hóa, quản lý nhà nước cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô. Cụ thể như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới…

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG

Củng cố và khơi thông nội lực, tranh thủ ngoại lực

. Năm 2024 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đất nước bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc trong thực hiện kế hoạch năm năm 2021-2025 cũng như giai đon tiếp theo. Những vấn đề trọng tâm nào Bộ KH&ĐT sẽ tập trung thực hiện?

+ Chúng tôi đã xác định có 10 vấn đề then chốt, thách thức đặt ra trong công tác tham mưu chiến lược của ngành KH&ĐT. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là phải tiếp tục củng cố và phát huy tầm nhìn chiến lược về phát triển, tư duy của đổi mới và cải cách mới, phù hợp với bối cảnh mới của thế giới, đất nước, từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương.

Tôi cho rằng đây là yếu tố căn bản, gốc rễ của mọi chính sách để củng cố và khơi thông nội lực, tranh thủ ngoại lực nhằm giúp chúng ta có thể đi nhanh hơn và bền vững hơn.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực nhưng là năm thứ ba liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch năm năm (6,5%-7%) và chiến lược 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Đạt mục tiêu tăng trưởng năm năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Cùng với đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ “dân số vàng” như Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh và nhiệm vụ của mình trong công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành. Qua đó giữ vững và phát huy các thành quả đạt được, làm cơ sở để tiếp tục phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Năm 2024 chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu về tổng kết 40 năm đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2026-2030.

Trước hết, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ vị thế, tầm vóc mới của nước ta sau những thành tựu đối ngoại lịch sử trong năm 2023. Cùng với đó là thời cơ, thuận lợi mới và yêu cầu đặt ra để phát triển nền kinh tế nước ta “cạnh tranh, sáng tạo, tự chủ và hội nhập, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đến năm 2030.

Chúng tôi cũng xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng khác trong thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

Ông PHẠM HẢI LONG, Tổng Giám đốc Công ty Agrex Saigon:

Mong Nhà nước có chính sách tín dụng xanh cho DN

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) cam kết chỉ làm việc với những nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Thông thường, các tập đoàn này mong muốn các nhà cung cấp cấp 1 của họ tuân thủ các tiêu chuẩn đó. Và MNC cũng yêu cầu các nhà cung cấp cấp 1 phải buộc các nhà cung cấp cấp 2, 3, 4… của họ tuân thủ tương tự.

phạm hải - agrex saigon.jpeg

Và cứ như thế tạo ra một loạt các hoạt động bền vững diễn ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các DN Việt cũng đã áp dụng cách làm này mà tạo ra tác động lan tỏa.

Chúng tôi là DN đầu cuối tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh xuất khẩu quốc tế. DN xanh chưa đủ mà hệ thống vệ tinh cũng phải xanh theo. Để có thành phẩm, DN phải mua nguyên vật liệu từ hàng chục nhà cung cấp khác nhau.

Các thị trường nhập khẩu, đặc biệt các siêu thị từ Mỹ và châu Âu yêu cầu chúng tôi phải xanh hóa hoạt động chuỗi cung ứng. Điều này có nghĩa rằng các nhà cung ứng chúng tôi phải thực hiện chuyển đổi xanh hóa để đáp ứng tiêu chuẩn.

Chẳng hạn, chúng tôi chỉ mua tôm nguyên liệu từ nhà cung cấp chính đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì có nghĩa nhà cung cấp này phải xây dựng các công ty vệ tinh của họ thực thi chiến lược chuyển đổi xanh. Các công ty vệ tinh sẽ có các đơn vị nhỏ hơn trong hoạt động khai thác, chế biến, sơ chế cũng phải tuân thủ các quy định xanh. Như vậy có thể thấy chỉ một DN xanh ban đầu tạo ra hàng chục công ty xanh và từ đó hình thành nên một chuỗi cung ứng xanh.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự đầu tư về mặt máy móc cũng như nguồn lực tài chính. Chẳng hạn, tại DN của chúng tôi, nếu như trước đây khi nhập nguyên liệu đông lạnh về, cần phải rã đông trước khi đưa vào chế biến. Để thực hiện phải mất nhiều thời gian, tiêu tốn nguồn nước, điện, thời gian, nhân lực…

Sau đó, chúng tôi mua được máy rã đông từ nước ngoài để thực hiện công đoạn này đã giúp giảm tối đa các vấn đề trên, đặc biệt giúp giảm thải nguồn nước ra môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Nhưng máy này lại rất đắt đỏ khiến khó DN nào có thể đủ nguồn tài chính để mua sắm.

Do đó, để giúp DN xuất khẩu thực hiện được các điều kiện tiêu chuẩn xanh, Nhà nước có thể hỗ trợ tín dụng xanh với mức lãi suất hợp lý cũng như cơ chế khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đóng góp cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

...................................

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia dự án đầu tư công

Trong năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp (DN) kiến nghị cần phải đẩy mạnh đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi để DN được tham gia dự thầu các dự án đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu.

nguyễn ngọc hoà (3).jpeg

TP.HCM cần thành lập tổ công tác xét duyệt các dự án đầu tư và có cơ chế để DN đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, các dự án chuyển tiếp được tham gia chương trình kích cầu; có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại mái nhà của các nhà máy, xí nghiệp, dự án...

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối DN trong nước với cộng đồng quốc tế.

Để thúc đẩy DN chuyển đổi xanh thì cần có chính sách hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho DN đăng ký chuyển đổi xanh, giúp DN có nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu giảm phát thải nhà kính.

Chính phủ cần sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường, thành lập thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời, điện mái nhà... giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

......................................

Ông LÊ THANH HƯNG, Tổng Giám đốc Tp đoàn Công nghip Cao su Vit Nam (VRG):

Kiên định thực hiện các hoạt động xanh và bền vững

Năm 2023, kinh tế toàn cầu có khó khăn chung, tuy nhiên VRG đã đạt sản lượng khai thác 445.000 tấn mủ cao su, đạt 104,7% kế hoạch năm 2023 (vượt 20.000 tấn), nhiều hơn 15.403 tấn (tương ứng với tăng 3,5%) so với sản lượng khai thác cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế là 3.406 tỉ đồng, đạt 101% kế hoạch và nộp ngân sách là 4.200 tỉ đồng, đạt 102,8% kế hoạch năm.

lê thanh hưng - cao su vn.jpeg

Chúng tôi dự báo năm 2024 có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi kỳ vọng các chính sách của Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế sẽ giúp VRG vượt khó và hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Trong thời gian qua và trong tương lai, chúng tôi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, được xem là đầu tư cho cơ hội ở tương lai.

Việc thực hiện các hoạt động xanh và bền vững cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho tập đoàn.

Bên cạnh ngày càng có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường giúp sản phẩm của chúng tôi có nhiều cơ hội hơn nữa trong thị trường xuất khẩu. Bởi điểm cộng là của DN chính là sản xuất xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.

........................................

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Cần thúc đẩy hoạt động công tác cải cách thủ tục hành chính

Bên cạnh thách thức thị trường lâm, thủy sản vẫn có những cơ hội trong năm 2024. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng. Trong nước lãi suất đã giảm xuống như giai đoạn năm 2022 và linh hoạt hơn. Gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng cho lâm, thủy sản là một trong những động lực tốt cho ngành.

trương đình hoè - vasep.jpeg

Các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc, Nga với Nhật Bản... cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam. Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các DN thủy sản của nhiều thị trường quan tâm dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính được Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, khắc phục các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn và tạo tâm lý tốt cho cộng đồng DN.

Năm 2024, VASEP kiến nghị thúc đẩy hoạt động tích cực của Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ như thời gian 3-4 tháng cuối năm 2023 vừa qua. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có các hội nghị hằng năm với các hiệp hội DN.

VASEP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo hai vấn đề quan trọng liên quan đến cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển. Thứ nhất là thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến Trung ương. Dữ liệu là minh bạch và là nền tảng cho công tác quản lý, là thông tin cơ bản để Chính phủ có các chỉ đạo, quyết sách phù hợp.

Thứ hai, cần có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản. Có dữ liệu và chợ đấu giá được triển khai sẽ là tiền đề cho minh bạch và quản lý nghề cá hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng chợ đấu giá còn giúp ngư dân có thể bán được giá tốt hơn, đời sống được cải thiện và tạo thêm động lực để tiếp tục vươn khơi bám biển.

PHƯƠNG MINH - QUANG HUY

Đọc thêm