Ngày 15-2, (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã gặp mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các ban của Ủy ban Thường vụ QH, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng QH; tới thăm, gặp mặt đầu Xuân tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; thăm, gặp mặt đầu Xuân tại Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Dự kiến khối lượng công việc năm 2024 nhiều hơn trước
Tại cuộc gặp ở Văn phòng QH, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhìn nhận năm 2023, QH đã có một năm với bộn bề công việc nhưng cũng hết sức thành công.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, QH đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thông qua nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), được các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngay trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, Chủ tịch QH đã ký chứng thực hai đạo luật quan trọng này.
Chủ tịch QH cho biết khối lượng công việc năm nay dự kiến không ít hơn, thậm chí còn nhiều hơn của các năm trước. "Chúng ta có quyền tự hào về những gì đã làm được nhưng không được phép chủ quan, thoả mãn. Khối lượng công việc rất lớn. Tinh thần phải rất khẩn trương, thời gian chính là lực lượng" – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ cũng mong muốn toàn thể Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH, các Ban của Ủy ban Thường vụ QH và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng QH khẩn trương triển khai các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu theo các kế hoạch, chương trình công tác đã xác định.
Đồng thời khẳng định phải tiếp tục phấn đấu để hướng tới một QH ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, nhưng đồng thời cũng phải luôn bám sát hơi thở cuộc sống để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm mọi hoạt động của QH đều vì mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia, dân tộc, mọi quyết sách của QH đều phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng biến những điều bất thường thành bình thường để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm yêu cầu kiến tạo sự phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước" - Chủ tịch QH khẳng định.
Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý các cơ quan của QH, các Ban của Ủy ban Thường vụ QH và cán bộ, công chức, viên chức… phải quán triệt tinh thần đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt, chúc Tết các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước trưa 28 Tết vừa qua.
Cụ thể là “năm 2023 đã đoàn kết rồi thì năm 2024 càng phải đoàn kết hơn nữa, năm 2023 đã thành công rồi thì năm 2024 càng phải thành công nhiều hơn nữa”.
Kiện toàn bộ máy kiểm toán ngày càng tinh gọn, chuyên nghiệp
Phát biểu tại buổi gặp mặt với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý các chiến lược phát triển ngành KTNN được QH phê duyệt đều nhấn mạnh mục tiêu xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính công có uy tín và có trách nhiệm.
"Công tác kiểm toán gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Nếu KTNN không có uy tín, không có trách nhiệm thì trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị cũng sẽ không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc” - Chủ tịch QH nhấn mạnh và cho rằng, tới đây KTNN phải tiếp tục làm tốt hơn trách nhiệm giải trình tại cơ quan dân cử địa phương.
Ông cũng đề nghị KTNN tiếp tục thực hiện phương châm "thà ít mà tốt", không ham nhiều mà tập trung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi, đến chốn, đi đến tận cùng vấn đề, là tiếng nói trung thực, khách quan "gác cửa" về chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ quốc gia.
Đặc biệt, Chủ tịch QH mong KTNN ngày càng chủ động, có tiếng nói sâu sắc hơn nữa trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Qua hoạt động thực tiễn, KTNN cần kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những nội dung còn sơ hở, còn chồng chéo, còn mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật để phục vụ hiệu quả hơn nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chủ tịch QH cũng lưu ý KTNN cần bám sát và tham gia, đóng góp hiệu quả vào các chuyên đề giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong năm 2024.
“Giám sát không chỉ là để chỉ ra những thiếu sót, sai phạm mà Đảng Đoàn QH, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, giám sát cũng phải kiến tạo phát triển, truy đến cùng nhưng cũng phải gỡ đến cùng" – Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị KTNN tiếp tục phát huy công cụ, "vũ khí" sắc bén nhất của mình là sự công khai, minh bạch.
"Cứ tăng cường công khai, minh bạch để làm rõ trách nhiệm giải trình thì việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước sẽ ngày càng tốt hơn, ngày càng công khai, minh bạch hơn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, xã hội, người dân cũng sẽ giám sát hoạt động của KTNN. Đây cũng là trách nhiệm của KTNN đối với đất nước và xã hội" - Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH cũng đề nghị KTNN tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy, công chức kiểm toán viên theo hướng ngày càng tinh gọn, chuyên nghiệp; bảo đảm tính độc lập trên thực tế của KTNN và hoạt động KTNN. Đồng thời, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kiểm toán.
Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Còn tại cuộc gặp ở Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định năm 2024 là năm rất quan trọng, là năm "tăng tốc" để "về đích" thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ.
Do vậy, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia là hết sức quan trọng, đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.
Chủ tịch QH đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỉ giá.
Đồng thời, ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa. Tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.