Năm 2023, ngành tài chính cùng với cả nước đã “vượt gió ngược” để làm nên những thành công khiến Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay hàng chục ngàn tỉ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi đã được dành cho đầu tư phát triển; nhiều loại thuế, phí, lệ phí… tiếp tục được giãn, hoãn, giảm. Ông kỳ vọng những chính sách “khoan sức dân”, thúc đẩy “vốn mồi” của Nhà nước sẽ tạo động lực cho kích cầu, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho kinh tế hồi phục trong thời gian tới.
Phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng
. Phóng viên: Năm 2024, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế nước ta còn phải đối mặt với khó khăn, thách thức từ cả trong nước và thế giới. Vậy với ngành tài chính, những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2024, tình hình thế giới sẽ còn có tác động không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong nước, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và xuất nhập khẩu. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp trong điều hành công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN). Chúng tôi quyết tâm thực hiện quyết liệt, đồng bộ chính sách tài khóa mở rộng, phối hợp cùng chính sách tiền tệ hiệu quả.
Điều này có nghĩa cần tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Tuy nhiên, mức độ nới lỏng sẽ được tính toán thận trọng, chặt chẽ, hợp lý, đủ liều lượng trong ngắn hạn để đạt được đa mục tiêu nêu trên.
25.000
tỉ đồng là số giảm thu NSNN khi áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT (còn 8%) với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến giữa năm 2024.
Ngoài ra, với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm thì số thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 42.500 tỉ đồng.
. Điều đó liệu có giúp cho ngành tài chính nối dài những thành công của năm 2023 hay không, thưa ông?
+ Đó là điều chúng tôi tin tưởng, kỳ vọng vì cho đến lúc này sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền vẫn thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Tôi cho rằng thách thức, khó khăn vẫn hiện hữu nhưng cơ hội, thời cơ luôn song hành. Ngành tài chính sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong các lĩnh vực như thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tài chính ngân sách, thông quan, chống buôn lậu, hoàn thiện thể chế tài chính.
Ngoài ra, năm 2024, chúng ta đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Cùng với nền tảng đã tích lũy được từ những năm trước đó, tôi kỳ vọng những điều này sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định.
Lành mạnh hóa thị trường tài chính
. Một trong những lĩnh vực quản lý rất quan trọng của Bộ Tài chính là phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và thị trường bảo hiểm vừa trải qua nhiều biến động…
+ Các thị trường tài chính trong thời gian qua chịu nhiều tác động từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, từ cả tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Những tác động đó đã làm thị trường chứng khoán có nhiều biến động, thị trường trái phiếu DN riêng lẻ cũng như thị trường bảo hiểm gặp phải khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cũng như các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của DN, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân…, các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc. Từ đó ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn.
Chúng tôi cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự minh bạch, chặt chẽ như thành lập sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ…
Dù phải đối mặt với những yếu tố khó lường nhưng với nền tảng đã xây dựng, các giải pháp đã triển khai và sự chủ động vào cuộc ngay từ đầu của các cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực hơn về chất lượng và tính lành mạnh, bền vững.
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới
. Năm 2023, đối ngoại của Việt Nam được đánh giá đã “đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước”.
+ Đúng vậy. Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và DN làm trung tâm phục vụ”. Chính phủ cũng đánh giá rằng công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao trong năm qua đã giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác. Việc này đã góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), viện trợ không hoàn lại (ODA), khoa học công nghệ...
. Vậy ngành tài chính đã có kế hoạch như thế nào để biến cơ hội thành hiệu quả thiết thực sau thành công chung về đối ngoại kinh tế thời gian qua, thưa ông?
+ Với ngành tài chính, nhiều năm qua chúng tôi luôn chú trọng công tác này. Đặc biệt trong năm 2023, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động thiết thực bước đầu để tận dụng thời cơ của một năm “thành công rực rỡ” của ngoại giao kinh tế đất nước.
Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều thành công thông qua các chỉ tiêu về nợ công quốc gia, nợ chính phủ từ 43,1% năm 2021 giảm còn 37% năm 2023. Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài được triển khai từ năm 2014. Cạnh đó, các chương trình xúc tiến đầu tư cũng đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng tới cộng đồng đầu tư quốc tế. Việc này giúp thu hút nguồn tài chính dài hạn, lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế.
Năm 2024 này, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cạnh đó là tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới.
Dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
. Trân trọng cảm ơn ông.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025 và Chính phủ đã đặt ra phương châm hành động.
Bộ Tài chính đã yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024.
Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất...
Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng…
Cùng với đó, yêu cầu đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Bộ Tài chính cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả cơ cấu lại DN nhà nước gắn với đổi mới quản trị DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC