Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bộ Công an rất cầu thị trong xây dựng luật do bộ chủ trì

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bộ Công an rất cầu thị trong xây dựng luật do bộ chủ trì

(PLO)- Năm 2024, Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội 10 dự án luật và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật khác.

Năm 2023 vừa khép lại với nhiều dấu ấn, đột phá được ghi nhận trên tất cả các mặt công tác của ngành công an. Trong đó đáng chú ý là công tác hoàn thiện pháp luật - ngành Công an đã hoàn thành vượt chỉ tiêu pháp lệnh của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao.

Trong lịch sử Quốc hội, Bộ Công an là Bộ đầu tiên tham mưu trình Quốc hội thông qua năm luật dự án trong một năm, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách, phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS-TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03 - Bộ Công an), về chương trình xây dựng luật do Bộ Công an chủ trì trong năm 2024.

Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an
Thiếu tướng, PGS-TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) - Bộ Công an. Ảnh: V03

Động lực triển khai nhiệm vụ năm 2024

. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được Quốc hội thông qua trong năm 2023 có ý nghĩa thế nào trong công tác xây dựng luật mà Bộ Công an được giao trong năm 2024?

+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Năm 2023, V03 đã tham mưu cho Bộ Công an chủ trì xây dựng năm dự án luật để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Cụ thể, bốn luật đã trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến, thông qua tại các kỳ họp thứ 5 và 6; một dự án luật đã trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Cùng với đó là soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bảo đảm luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

V03 cũng nghiên cứu, đề nghị xây dựng 10 dự án luật để báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tiến hành xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến, thông qua trong các năm 2024 và 2025.

Có hai luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành sớm là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng tôi chỉ có 50 ngày kể từ ngày hai luật này được thông qua để soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Để làm được điều đó, chúng tôi đã phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.

Khối lượng công việc trong năm 2023 rất lớn nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là động lực rất lớn để V03 bắt tay triển khai chương trình công tác năm 2024 với lượng công việc nhiều hơn, dự thảo một số luật mới khó hơn, phức tạp hơn, thời gian xây dựng gấp hơn.

Chung-toi-rat-cau-thi-trong-qua-trinh-xay-dung-Luat-do-Bo-Cong-an-chu-tri-6.jpg
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng V03 (bìa phải) tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong buổi dự thính phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: V03

Nghiêm túc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng

. Vậy với những ý kiến khác nhau góp ý vào các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, V03 đã xử lý như thế nào?

+ Chúng tôi đã rất cầu thị, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến còn khác nhau, nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra giải pháp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an giải trình, tạo sự đồng thuận cao nhất từ nghị trường đến dư luận Nhân dân. Đó chính là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Bộ Công an đối với V03 và chúng tôi đang nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo đó.

Báo chí là một trong những kênh truyền thông quan trọng nhất mà chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ để truyền thông về các dự án luật. Thông qua báo chí, chúng tôi sẽ nắm bắt ý kiến và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng V03 Bộ Công an

Chẳng hạn, tại Điều 8, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Thời điểm đó đã nảy ra những tranh luận rất nóng từ nghị trường Quốc hội đến dư luận xã hội. Các ý kiến chia 2 luồng, một là đồng ý quy định nồng độ cồn bằng 0, hai là đề nghị quy định ngưỡng nhất định.

Hay như tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ vì có tính sát thương cao. Một số ý kiến cho rằng rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ và đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ về quy định này để bảo đảm tính khả thi.

Đối với những nội dung của dự án luật mà còn nhiều ý kiến khác nhau, V03 đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan bộ ngành liên quan nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm.

Cạnh đó là tham vấn chuyên gia, khảo sát đánh giá tác động thực tế, từ đó tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Chính phủ kịp thời có ý kiến về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Chung-toi-rat-cau-thi-trong-qua-trinh-xay-dung-Luat-do-Bo-Cong-an-chu-tri-12.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) phát biểu tại tọa đàm, trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khoá XV. Ảnh: V03

Đột phá công tác tham mưu xây dựng luật

. Năm 2024, V03 sẽ có những hành động cụ thể nào trong công tác tham mưu xây dựng các dự án luật do Bộ Công an chủ trì?

+ Năm 2024, Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội 10 dự án luật và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật khác.

Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án luật có tính đột phá để triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường bảo đảm an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Có thể kể đến như Luật điều chỉnh về dữ liệu để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Hay như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để kịp thời thực hiện đúng lộ trình cải cách thủ tục hành chính gắn với triển khai Đề án 06 của Chính phủ và phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm bổ sung các quy định góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu các nguy cơ, thiệt hại do các vụ cháy, nổ gây ra...

Chung-toi-rat-cau-thi-trong-qua-trinh-xay-dung-Luat-do-Bo-Cong-an-chu-tri-3.jpg
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng V03 (hàng đầu, thứ 5 từ trái qua) tham gia Đoàn đàm phán Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa. Ảnh: V03

Hoàn thiện hành lang pháp lý dẫn độ

. Bộ Công an đang xây dựng Luật Dẫn độ trên cơ sở tách từ Luật Tương trợ tư pháp 2007, trong đó đề xuất bổ sung nhiều điểm mới cho phù hợp với thực tiễn, tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay và các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Việc này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam ra sao trong các hoạt động hợp tác quốc tế?

+ V03 là cơ quan điều phối về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách hành chính, tư pháp trong CAND. Theo đó, Cục V03 sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc trình cấp có thẩm quyền ký kết, phê duyệt, phê chuẩn, triển khai thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương. Qua đó, giúp tạo hành lang pháp lý phù hợp, thúc đẩy hợp tác của lực lượng thực thi pháp luật giữa các quốc gia.

Hiện V03 đang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hai dự án Luật dẫn độLuật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội. Dự kiến hai dự án luật này sẽ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10.

Các luật này sau khi được thông qua sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chung-toi-rat-cau-thi-trong-qua-trinh-xay-dung-Luat-do-Bo-Cong-an-chu-tri-13.jpg
97,81% người dân được khảo sát thấy hài lòng và rất hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND. Ảnh: V03

Sự hài lòng của người dân với Công an ngày càng tăng

. Mức độ hài lòng của người dân như thế nào đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND, thưa ông?

+ Năm 2023, Bộ Công an đã phát hành gần 20.000 phiếu điều tra xã hội (bằng phiếu giấy và phiếu điện tử) để đo lường sự hài lòng của người dân tại 63 công an tỉnh, TP và bốn đơn vị thuộc Bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ công.

Kết quả, 97,81% người dân được khảo sát thấy hài lòng và rất hài lòng. Kết quả này cao hơn các năm trước (cũng đều trên 90%), do đó có thể thấy tỉ lệ hài lòng của người dân đối với các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính trong CAND ngày càng tăng.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đọc thêm