Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL: Có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi

(PLO)- Báo cáo khẳng định, thời gian qua có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, thị trường lại thu hút được một bộ phận người xem quan tâm. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế

Liên quan đến vấn đề du lịch, báo cáo khẳng định, trong hai năm 2020, 2021, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu.

Tại Việt Nam, hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4-2020 đến tháng 11-2021. Hoạt động du lịch nội địa trải qua bốn lần gián đoạn tương ứng với bốn lần bùng phát dịch. Năm 2021 khách du lịch nội địa giảm 29% so với năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VGP

Báo cáo cũng chỉ ra, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế nhưng số lượng khách quốc tế vào Việt Nam còn ít, chưa được như kỳ vọng. Tính đến 31-7-2022, cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến, đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.

Đại dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra được nhiều điểm “yếu”, điểm “nghẽn” của Ngành. Đặc biệt là việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, cơ cấu thị trường khách chưa thực sự phù hợp, hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, thị trường khách nội địa chưa được đặt ở vị trí tương xứng.

Việc liên kết phát triển du lịch mới ở bước đầu, nhiều nội dung chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên nên chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang siết chặt phòng, chống dịch, như Trung Quốc hiện theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Xung đột quân sự Nga - Ucraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng, chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau…Tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực du lịch sau hai năm đóng băng do dịch bệnh.

Từ thực tế trên, báo cáo đưa ra nhận định: Phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu COVID không thể thành công trong “một sớm, một chiều”, phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế”. Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi thì du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế)…

Làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam

Báo cáo cũng đánh giá, thời gian qua đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, thị trường lại thu hút được một bộ phận người xem quan tâm, sự nhiễu loạn “vàng thau” lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa đáng được quan tâm.

Bên cạnh việc chỉ ra việc sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử, báo cáo cho rằng văn hóa là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL: Có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi ảnh 2

Theo Bộ trưởng, phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam. Ảnh: MINH KHÁNH

Đề cập đến nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó có việc xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng.

Theo báo cáo, khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, lố lăng và đó là chính là biểu hiện thuyết phục nhất của sức mạnh nội sinh văn hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm