Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay các vụ án về tham nhũng có bốn hạn chế lớn là thời hạn kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc.
“Đáng lưu ý, có trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chúng ta chuẩn bị khởi tố như trường hợp Dương Chí Dũng trước đây và Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy mới đây là những ví dụ rất điển hình” - ĐB Nga nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Tham gia trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay theo Điều 19 BLTTHS 2003, chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Như vậy trước khi khởi tố thì không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, do đó gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ án của các cơ quan.
“Việc cơ quan công an chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các đối tượng nào tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Cũng theo Bộ trưởng Công an, qua thực tiễn tổng kết công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy có một số trường hợp đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra.
Vì vậy, quá trình xây dựng BLTTHS 2013, Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, qua điều tra xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn việc bỏ trốn ra nước ngoài hoặc tiêu hủy chứng cứ thì kiến nghị bổ sung các quy định về giám sát. Đặc biệt, đối với các đối tượng phạm tội, có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng thì cho phép được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt để xử lý.
Tranh luận về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn chứng: “Vừa rồi, có nghịch lý là người đáng ra ngăn chặn xuất cảnh nhưng xuất cảnh trót lọt vì chưa có quyết định khởi tố nhưng cuối cùng té ra lại có tội. Nhưng có trường hợp tôi biết trực tiếp là có những doanh nhân của một doanh nghiệp nhà nước lớn, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy có quyết định không cho người ta xuất cảnh, nhưng sau cả năm trời hóa ra không tội gì cả”.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
ĐB Nghĩa dẫn chứng: “Tôi biết một trường hợp khác là doanh nhân nước ngoài không có một tờ giấy, đi ra sân bay là không cho xuất cảnh cả hai năm trời. Sinh nhật lần 60 người ta đi về nước không cho, ngày bầu cử người ta về nước bầu cử không cho. Hai năm sau không có tội”.
Theo ĐB Nghĩa, đây là nghịch lý vì trong những trường hợp đó làm sao để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bởi vì có những doanh nhân không có quyết định, không có tờ giấy và cấm người ta xuất cảnh, nếu sau này người ta thiệt hại người ta kiện mình, người ta nói mất cơ hội vài chục triệu đô, cả trăm triệu đô, liệu mình có trả nổi không.
“Ngược lại, có những trường hợp mà như tôi vừa nói. Chúng ta hành xử không khéo thì người có tội thì lọt. Đây là hai vấn đề, đề nghị, xem luật pháp hiện hành thế nào để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, vừa phòng chống tham nhũng một cách chặt chẽ vừa không lọt tội. Nếu như luật pháp không hoàn chỉnh, cần sửa đổi thì xin Bộ trưởng cho biết” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.