Bộ trưởng Công Thương nói về điện Bạc Liêu

Sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Ông nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ các nhà máy điện, trong đó có dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu (dự án điện Bạc Liêu).

Tiếp tục đợi, chưa biết ngày triển khai

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn dự án điện Bạc Liêu đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Nhà đầu tư cũng đã hoàn thành thủ tục đầu tư tròn 12 tháng theo yêu cầu của Bộ Công Thương… Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. “Vì sao có sự chậm trễ này?” - ĐB Thái hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã thực hiện rất khẩn trương và có hai lần báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng để bổ sung quy hoạch dự án, trong đó lần gần đây nhất là ngày 30-10. Ngắt lời ông Tuấn Anh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi thẳng: “Bộ trưởng có thể cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?”.

“Bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm tổ chức triển khai dự án bởi chúng ta đang thiếu điện và đang rất cần” - ông Tuấn Anh đáp và cho hay ông không thể nói thời điểm nào sẽ triển khai vì đang đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến.

“Tôi hy vọng dự án sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020, đó là theo hiểu biết của tôi” - bộ trưởng Công Thương nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời tại phiên chất vấn sáng 7-11. Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng rất quan tâm đầu tư điện khí

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời thêm về dự án điện Bạc Liêu, đồng thời mong muốn Thủ tướng sẽ đưa ra cam kết của Chính phủ để QH và cử tri yên tâm.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng, đã họp nhiều lần về vấn đề này.

Ba ý kiến nóng, nổi bật

Tại buổi chất vấn, nhiều ĐBQH liên tục chất vấn về dự án điện Bạc Liêu và cho rằng Bộ Công Thương đã “không tích cực”. ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thậm chí còn cho rằng Bộ Công Thương đã cố ý làm trái Luật Quy hoạch, cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. “Tôi đề nghị Thủ tướng phải chỉ đạo triển khai ngay các dự án này” - ông Vân nói.

“Cũng như Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã hỏi về Nhà máy điện Bạc Liêu, chúng tôi cần bộ trưởng Công Thương trả lời khi nào thì làm và khi nào thì xong” - ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) chất vấn.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá dự án điện Long Phú cho ĐBSCL đã thất bại và có khả năng sẽ “nhập vào câu lạc bộ ngàn tỉ”. Vì vậy, ông đề nghị cần tập trung vào điện Bạc Liêu để phục vụ cho ĐBSCL. 

Theo phó thủ tướng, nhà đầu tư đề nghị đầu tư với tổng công suất của cụm điện khí Bạc Liêu là 3.200 MW. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch và yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán tổng thể, đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030.

Tuy nhiên, đến nay bộ mới trình bổ sung trên 800 MW (trong tổng thể 3.200 MW của cụm), như vậy sẽ rất khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể. “Thay mặt Thủ tướng, tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ thêm để bổ sung quy hoạch tổng thể cụm này trong tổng thể các cụm khí của cả nước để có thể đầu tư đồng bộ… Khí có thể làm từng giai đoạn nhưng cảng và kho khí cần phải đầu tư làm trước” - phó thủ tướng nói. Ông cũng cho hay Thủ tướng rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để chúng ta bù đắp lại những phần thiếu hụt, giảm việc truyền tải điện từ Bắc vào Nam.

Chủ tịch Quốc hội: “Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời lưu loát”

Cuối giờ sáng 7-11, sau khi phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kết thúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra nhận xét không khí chất vấn bộ trưởng là “sôi nổi”.

“Tất cả câu hỏi đặt ra ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất rộng, nhiều vấn đề lớn, rất nhiều nội dung và vì thế cũng có nhiều ĐB quan tâm tranh luận lại để làm rõ thêm” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch QH nói tiếp: “Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành, đồng thời bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về sự tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua đối với công tác quản lý, quy hoạch phát triển điện trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo”.

Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài. Cạnh đó Bộ Công Thương cần tiếp tục huy động nguồn lực triển khai đề án điện nông thôn miền núi, hải đảo; nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ xử lý các tồn tại phát sinh của các công trình, dự án điện trọng điểm như dự án điện Bạc Liêu, Long Phú 1, Thái Bình 2 và các dự án điện khác theo như chất vấn của ĐBQH.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau đó đã cám ơn các ĐBQH và hứa tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến chất vấn, kết luận của Chủ tịch QH. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm