Chiều 4-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu (ĐB) QH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận rất sâu sắc, liên quan đến nhiều nội dung trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể kể đến như sức khỏe của học sinh; việc phân luồng; nghiên cứu khoa học trong trường đại học; trẻ em tự kỷ; tài liệu giáo dục địa phương; phát triển tiếng Anh; quy hoạch giáo dục…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ phân tích, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm mà các ĐBQH đã nêu.
Đối với ý kiến về nhóm lợi ích trong in ấn sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong vài năm qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều về vấn đề này.
Theo ông Sơn, cũng có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách phạm pháp, "những người này đã được bắt mang đi rồi... Chúng tôi mong ĐB chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định"- ông Sơn nói.
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, ông Sơn thừa nhận đây là vấn đề khó, vướng mắc đang có thực. Hiện cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở LĐ-TB&XH hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý.
Ông cho rằng đây là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành. Trong các văn bản quy định hiện có Thông tư 39 về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 01 để làm căn cứ pháp lý quản lý hệ thống các trung tâm này, tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng...
Trước đó, phát biểu về câu chuyện in ấn sách giáo khoa, ĐBQH Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần bốn năm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Bà cho rằng nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.
ĐB Luyến cho hay nội dung này đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH năm 2019 chỉ ra nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục, địa phương, theo bà Luyến cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện.
Nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.