Chiều 4-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025.
Nêu ý kiến thảo luận về vấn đề khai thác thuỷ sản, đời sống ngư dân hiện nay, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho hay mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Thế nhưng ngư dân hiện nay vẫn đau đáu nhiều mối lo.
“Giá hải sản lao dốc trong khi chi phí ra khơi leo thang. Tình trạng cạn kiệt ngư trường gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều tàu nằm bờ nhớ về thời hoàng kim trong sự thổn thức. Nhiều ngư phủ phải rời biển, nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh. Nhiều chủ tàu vỡ nợ, phá sản” - bà Dao cho hay.
Bên cạnh đó, là tình trạng đi đánh bắt tại vùng biển không theo quy định của pháp luật, bị Uỷ ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng, đến nay 7 năm vẫn chưa tháo gỡ được.
Theo đại biểu đoàn Kiên Giang, dự tính mỗi năm sản lượng hải sản vào khoảng từ 2,3-2,6 triệu tấn, nhưng chúng ta khai thác mỗi năm 3,8 triệu tấn, cao gấp 1,5 lần cho phép. Vì điều đó từ 2005 đến nay, nguồn lợi thuỷ sản của ta giảm trên 30%.
Ngoài ra, đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng đánh giá một số chính sách chưa sát đời sống. Ví dụ Nghị định 37/2024 quy định về chiều dài cá ngừ vằn được phép khai thác là tối thiểu 50cm. Thế nhưng quy định này trong thực tế rất khó đáp ứng. Do vậy, mỗi chuyến đi biển về sản lượng chỉ đạt từ 10–15%, có tỉnh chỉ đạt 2-3% như Bình Định.
“Do đó, con tàu lại tiếp tục nằm bờ trong mấy tháng nay. Những doanh nghiệp thu mua chế biến cá ngừ xuất khẩu đã lâm vào bế tắc. Hay Nghị định 67 rất nhân văn nhưng chúng ta chưa ban hành chính sách khoanh nợ” - đại biểu chia sẻ.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác là do chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá, mà trong xử phạt cũng không ràng buộc được trách nhiệm của các bên cung ứng, sản xuất thiết bị này.
Trước những vướng mắc, tồn tại như trên, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị các cơ quan liên quan, từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó chú trọng tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các quy định có tính bất cập như quy định trong Nghị định 37 về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác, làm sao hài hoà sinh kế của người dân và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản đang dần cạn kiệt. Sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình giám sát trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Nghiên cứu ban hành những chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp như: chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách về chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong các nghề du lịch biển đảo, nuôi biển công nghệ cao...
Về phía địa phương cần tăng cường tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hỗ trợ ngư dân kịp thời khi gặp khó khăn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Người ngư dân phải chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm.
“Hãy để cho con cháu mình ra khơi không còn mang tính chất là canh bạc giữa trùng khơi nữa. Phải tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong tương lai vì một kinh tế biển bền vững” - bà Dao nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Phú Bình (đoàn Nghệ An), cho rằng các thông tin, số liệu và ý kiến đại biểu Châu Quỳnh Dao đưa ra cho thấy một bức tranh có phần tiêu cực về công tác quản lý nghề cá và hải sản của Việt Nam.
Ông phân tích với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, 28/63 địa phương có biển, gần 1 triệu ngư dân cùng tập quán đánh bắt hải sản quy nhỏ, tự phát thì việc xây dựng một tập quán nghề cá bền vững và thực thi tất cả các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn cao là điều không dễ dàng.
Tuy vậy, chống khai thác IUU đã được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra thẻ vàng.
Theo đại biểu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2024 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định 37/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019; khung pháp lý chống khai thác IUU đã và đang được chúng ta hoàn thiện theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Các địa phương trên cả nước cũng đang nỗ lực tăng cường các hoạt động đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU.
Mặc dù đâu đó chúng ta thấy có một số vi phạm được phản ánh nhưng điều này cũng thể hiện việc mình đang thực hiện tốt công tác giám sát pháp luật. Quyết tâm chính trị và những nỗ lực từ trung ương đến địa phương đã, đang được thực hiện mạnh mẽ. “Do đó, cần đánh giá đúng đắn về những nỗ lực này” – ông Bình nhấn mạnh.