Trong khuôn khổ Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng nay, 9-5, vốn sẽ hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc hai tuần tới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã xin được báo cáo riêng về công tác giáo dục, đào tạo và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà ngành giáo dục triển khai mấy năm nay.
Nửa chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông
Ông Sơn cho hay chương trình GDPT đang triển khai đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Quốc hội thông qua từ năm 2014, sau đó mới đi vào hoàn thiện đến năm 2018 hoàn thành và triển khai thực tế từ năm 2019.
“Chương trình GDPT 2018 là bước đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống GDPT" - Bộ trưởng Sơn nói và giơ lên cuốn sách bìa cứng, màu ghi tím, khổ lớn.
"Nó dày 1.000 trang, khổ lớn. Mọi thứ định hướng, thống nhất cho GDPT trên cả nước được nêu trong này, được lưu hành rộng rãi trong các trường học và có bản PDF có thể tìm thấy trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT” - ông Sơn giới thiệu.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo kết quả triển khai chương trình GDPT 2018.(Ảnh: TP) |
Phát hành hệ thống SGK mới là một phần của công tác triển khai chương trình GDPT 2018, và đến thời điểm này, theo ông Sơn, đã đi được nửa chặng đường: SGK mới đã được triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; đến tháng 9 tới sẽ triển khai ở các lớp 4, 8, 11; hè này Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định các bộ SGK lớp 5, 9, 12 để kịp triển khai vào cho năm học 2024-2025.
Song song với phát triển SGK, Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương triển khai các nội dung về cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên, hướng dẫn, chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy…
"Đánh giá ban đầu, đến thời điểm này giáo viên đã quen với việc một chương trình nhiều bộ SGK. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng sơ bộ nhận định chương trình mới tạo ra sự đổi mới, không khí mới trong nhà trường theo hướng tích cực, chủ động, khả quan. Các địa phương chọn SGK đã đi vào nề nếp, trở thành bình thường, không còn khó khăn" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ưu, nhược điểm
Đánh giá về ưu, nhược điểm của công tác triển khai chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Sơn cho biết khác với chương trình cũ 2006 - vốn có tính chất khung, mang tính pháp lệnh, triển khai trên cơ sở một bộ SGK duy nhất, với kế hoạch học tập là đồng loạt, thì chương trình 2018 được xây dựng chi tiết, mỗi một môn học đều có đề cương, và triển khai thông qua nhiều bộ SGK.
Về nội dung, chương trình GDPT 2018 được soạn theo quan điểm mới theo định hướng phát triển năng lực của người học và người dạy, đề cao yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm và dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cơ sở giáo dục, cho nhà giáo, cho người dạy, người học.
“Đây là triết lý và tính mới của chương trình này” - ông Sơn nhấn mạnh.
Về dư luận đây đó băn khoăn là nhiều bộ SGK thì làm sao thống nhất dạy học trên cả nước được, Bộ trưởng Sơn giải tỏa: “Xin thưa, sự thống nhất đó là thống nhất về nội dung giáo dục trong chương trình. Nhiều nước cũng vậy, như Ấn Độ hiện đang có 7 bộ SGK, Nam Phi có 16, Trung Quốc có 5 bộ SGK cho môn khoa học tự nhiên, các tiểu bang ở Mỹ thì chọn hệ thống SGK khác nhau… Ta đang có 3 bộ SGK lớn được lưu hành và một số bộ sách phụ”.
Nhiều bộ SGK cũng là tính mới của chương trình GDPT 2018, theo đó SGK không còn mang tính pháp lệnh, mà chỉ còn là học liệu, là công cụ để giáo viên lựa chọn, sử dụng phục vụ cho việc giảng dạy. Đây là sự thay đổi rất lớn, tạo sự chủ động, sáng tạo trong GDPT.
Nhiều bộ SGK và xã hội hóa công tác làm SGK cũng là tính mới của chương trình 2018, qua đó huy động nguồn lực xã hội cả về tài chính, trí tuệ.
Ông Sơn nói: “Trước đây, các nhà biên soạn sách ít hơn, giờ thì có nhiều nhóm biên soạn tham gia, với hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học. Qua cạnh tranh mà phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất".
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: TP) |
Các bộ SGK cũng được biên soạn theo đúng tinh thần, yêu cầu của chương trình GDPT mới: Trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức là chính, thì nay giáo viên là người tổ chức dạy và học, người định hướng, hỗ trợ...
Dù tiến bộ, cách mạng như vậy, nhưng công tác triển khai chương trình GDPT 2018, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, gặp không ít thách thức. Chẳng hạn, chương trình mới đặt ra yêu cầu cao về cơ sở vật chất như công nghệ, trang thiết bị dạy học…, và nhân lực gồm cả về chất lượng, số lượng giáo viên. Bản thân Bộ GD&ĐT cũng vất vả hơn trong quản lý, thẩm định SGK so với cách làm một bộ duy nhất trước đây.
“Chương trình mới với những nội dung chưa từng có, nếu truyền thông không đầy đủ rất dễ gây ra phản ứng của xã hội. Giáo viên không tập huấn đầy đủ thì cũng lúng túng trong quá trình triển khai. Hay và mới nhưng cũng rất nhiều thách thức cho ngành giáo dục” - ông Sơn nhấn mạnh.
Chính sách giáo dục nên ổn định
Trước những ý kiến xét lại chủ trương "một chương trình nhiều bộ SGK", Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng lúc này nếu nghiêng ngả, quay trở lại một bộ SGK thì tức là từ bỏ tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình GDPT mới đã đặt ra. Chưa kể, quay xe lúc này sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong triển khai chính sách.
Chương trình GDPT mới gắn liền với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là một cuộc cách mạng trong giáo dục, nằm trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục nước nhà. Vậy nên, điều cần khẳng định lúc này là sự kiên định, nhất quán.
“Chúng tôi mong khi đến năm 2025, khi chương trình mới đã đi đủ chặng đường, lúc đó câu trả lời một bộ sách hay nhiều bộ sách sẽ được đánh giá một cách có căn cứ và thấu đáo hơn. Giáo dục là thế, cần có một thời gian mới nhìn nhận, đánh giá chính xác được” - Bộ trưởng GD&ĐT nói.