Văn bản nêu rõ: Căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Vụ Pháp chế dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ...).
Trước đó nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công Thương là một bước thụt lùi, thể hiện tư duy bao cấp. Dự thảo này đưa ra nhiều quy định bị các nhà bán lẻ, hiệp hội đánh giá là rất “lạ đời”, vẽ ra rất nhiều giấy phép con cản trở người kinh doanh.
Ví dụ dự thảo quy định không giống ai: Mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo của Bộ Công Thương còn quy định siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến 10.000 m2. Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ…
Trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đưa ra quy định siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại...
Nhiều ý kiến nhận xét quy định như vậy là quá cứng nhắc, chi tiết và nó chỉ có tác dụng đưa doanh nghiệp… trở lại thời kỳ bao cấp, tước đi quyền tự chủ của doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ Công Thương đã quên mất chức năng hậu kiểm của mình. Đó là người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ… là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TÚ UYÊN