Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố mới đây nhận định ngành du lịch Việt Nam (VN) có ba điểm hạn chế và một trong điểm nghẽn lớn nhất là về thị thực (visa). Để tháo điểm nghẽn này nhằm tạo đà cho du lịch phát triển, Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB) vừa trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB, xung quanh đề xuất trên.
Việt Nam miễn thị thực không giống ai
. Phóng viên: WEF đánh giá visa đang là điểm nghẽn lớn nhất của ngành du lịch. Ông có thể nói gì về đánh giá này?
+ Ông Hoàng Nhân Chính: Chính sách thị thực điện tử của VN đã được các công ty du lịch và chuyên gia đánh giá là có bước tiến bộ khi đến nay đã có 46 nước được chúng ta cấp thị thực điện tử.
Tuy nhiên, việc thực hiện visa điện tử vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách vì đòi hỏi thời gian ít nhất là ba ngày du khách mới nhận được. Do đó, nếu miễn thị thực thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách cũng như thúc đẩy khách thương nhân đến, từ đó mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho nền kinh tế VN.
. Nhưng vì sao TAB chỉ đề nghị miễn thị thực thêm cho sáu nước gồm Úc, New Zealand, Bỉ, Canada, Hà Lan và Thụy Sĩ mà không phải là nhiều hơn, thưa ông?
+ Sáu quốc gia trên có lượng khách du lịch đến VN nhiều. Ví dụ riêng năm 2017, Úc có hơn 370.000 khách và Canada hơn 138.000 khách đến VN. Thời gian lưu trú ở VN của khách cũng trên 15 ngày và chi tiêu bình quân cũng cao hơn nhiều nước khác với hơn 1.200 USD/người.
Ngoài ra, trong bảng chỉ số thị thực toàn cầu các quốc gia trên được xếp hạng cao, ít có nguy cơ đối với an ninh hay lưu trú bất hợp pháp. Vì những lý do trên, họ đã được trên 170 quốc gia miễn thị thực.
Tuy nhiên, họ không chỉ đến VN nhiều mà đến các quốc gia trong khối ASEAN khác cũng rất đông. Thế nên nếu VN có chính sách miễn thị thực đột phá” thì sẽ thu hút lượng khách có chất lượng từ các quốc gia này.
. Có nhiều ý kiến nhận xét rằng chính sách thị thực của VN so với các quốc gia phát triển du lịch hàng đầu ASEAN có nhiều “khác biệt”. Ông có thể chỉ rõ sự “không giống ai” này là gì?
+ VN miễn thị thực cho 24 quốc gia. Như vậy VN là quốc gia miễn thị thực hạn chế nhất trong sáu quốc gia phát triển du lịch hàng đầu ASEAN như Thái Lan, Philippines, Singapore.
Đáng nói là chính sách thị thực của VN còn gây khó khăn cho khách du lịch khi chỉ miễn thị thực trong 15 ngày. Thời gian công bố miễn thị thực thiếu bài bản, áp dụng từng năm một.
Du khách Ba Lan trong chương trình “trải nghiệm Tết Việt” do một công ty du lịch vừa tổ chức. Ảnh: TÚ UYÊN
Đặc biệt, có một quy định mà chỉ VN mới có là “mỗi một lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi VN lần trước ít nhất là 30 ngày”. Không hiểu tại sao lại đưa ra quy định lạ lùng như vậy.
Trong khi các quốc gia Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore miễn thị thực cho nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, Thái Lan miễn thị thực cho 57 quốc gia, Singapore miễn thị thực cho 159 quốc gia, Indonesia miễn thị thực cho 168 quốc gia.
Không chỉ vậy, họ còn áp dụng một cách linh hoạt chính sách thị thực nhằm tạo điều kiện tối đa cho du khách như thị thực, thị thực điện tử, thị thực nhận tại cửa khẩu, thị thực quá cảnh…
Ngoài ra, phần lớn các quốc gia trên miễn thị thực cho du khách 30-90 ngày và công bố chính sách trước sáu tháng và áp dụng 3-5 năm chứ không như của ta. Các nước ASEAN xem chính sách này như đòn bẩy để thúc đẩy khách quốc tế đến với họ.
Bãi bỏ những quy định chưa hợp lý
. Vậy theo ông, ngành du lịch VN cần phải làm gì mang tính đột phá để đuổi kịp các quốc gia trên?
+ Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ mới đây nhấn mạnh tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với các quốc gia có lượng khách du lịch lớn đến VN; đơn giản về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến nước ta…
Chúng tôi cho rằng điều đầu tiên có thể thực hiện ngay. Chẳng hạn chính sách miễn visa cho du khách năm quốc gia Tây Âu đến ngày 30-6-2018 tới đây sẽ hết hiệu lực. Do đó ngay ở thời điểm hiện nay, Chính phủ cần công bố sớm là có tiếp tục áp dụng miễn thị thực cho những quốc gia này hay không. Hơn nữa, luật đã cho phép thì tại sao không tăng ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày; hoặc chính sách miễn thị thực cần tăng lên năm năm thay vì mỗi năm áp dụng một lần như hiện nay.
Chúng tôi cũng đề nghị bãi bỏ ngay quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi VN lần trước ít nhất là 30 ngày. Vì quy định này hết sức phi lý, không nước nào làm.
Chúng tôi cũng kiến nghị thay đổi tên miền trang web áp dụng thị thực điện tử từ “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành “evisa.gov.vn”. Lý do là khách nước ngoài làm sao biết được “xuất nhập cảnh” là gì.
. Có quan điểm cho rằng du lịch VN chưa thu hút du khách do sản phẩm du lịch nghèo nàn, quảng bá xúc tiến còn hạn chế… nên chính sách thị thực dù có điều chỉnh cũng không giúp cho ngành du lịch phát triển?
+ Chúng tôi thừa nhận bản thân ngành du lịch vẫn còn tồn tại những vấn đề như bạn đề cập và cần tiếp tục cải thiện. Ví dụ, năm ngoái ngành du lịch đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt mức tăng trưởng cao chưa từng thấy gần 30% nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu là về số lượng mà chưa tăng chất lượng.
Tuy nhiên, chính sách visa cũng phải thay đổi mạnh mẽ, nhất là chính sách miễn thị thực để tạo sự đột biến về tăng trưởng chất lượng khách du lịch.
. Xin cám ơn ông.
Ba hạn chế lớn nhất cần cải thiện Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành 2017 của WEF công bố mới đây, ngành du lịch VN có ba điểm hạn chế nhất cần cải thiện. Cụ thể, sự bền vững của môi trường chỉ được xếp hạng 129/136; các yêu cầu về visa chỉ được xếp thứ 116/136; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch chỉ xếp thứ 113/136. |