Quy định lạ lùng cho siêu thị: Quá xa rời thực tế!

“Trở lại thời bao cấp, tước quyền của doanh nghiệp (DN)”. Đây là khẳng định của chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trong buổi trao đổi chiều 8-6 với Pháp Luật TP.HCM về dự thảo nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối mà Bộ Công Thương mới công bố.

Dự thảo nghị định này, như chúng tôi đã thông tin, quy định chi tiết các điều kiện đối với siêu thị, trung tâm thương mại về diện tích, quy mô, cách thức khuyến mãi và cả… giờ mở cửa.

Bước thụt lùi, trở lại thời kỳ bao cấp

. Phóng viên: Ông nhận xét những quy định mà ông gọi là điều kiện kinh doanh trong dự thảo nghị định thế nào?

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

+ Ông Vũ Vinh Phú: Tôi thấy những quy định ấy quá cứng nhắc, chi tiết và nó chỉ có tác dụng đưa DN… trở lại thời kỳ bao cấp, tước đi quyền tự chủ của DN. Mặt khác, Bộ Công Thương đã quên mất chức năng hậu kiểm của mình. Chúng ta đang tuân thủ nguyên tắc hiến định rằng: Người dân, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm cơ mà!

. Ông biết đấy, dự thảo tính quy định cả giờ giấc các siêu thị phải mở cửa, đóng cửa

+ Chắc anh vẫn còn nhớ hồi Tết năm 2016, ông chủ tịch TP Hà Nội lúc đó mới nhậm chức đã yêu cầu các siêu thị phải mở cửa trong ba ngày Tết. Rốt cuộc chả siêu thị nào mở cửa theo mệnh lệnh ấy.

Còn nói về thực tế, nếu siêu thị ở Hà Nội, tôi đảm bảo được đủ điều kiện, tôi mở cửa tới 11 giờ đêm; ở Lào Cai, ít người mua tôi đóng cửa lúc 8 giờ tối cũng có sao đâu. Tôi có thể mở siêu thị 18 tiếng một ngày, nếu không có khách tôi mở bán tám tiếng thôi.

. Nhưng còn cái quy định khuyến mãi ba lần/năm và phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền nữa, thưa ông? Rồi còn quy định cả diện tích của siêu thị, trung tâm thương mại?

+ Tôi khuyến mãi quanh năm cũng được, chẳng cần xin ai. Mới đây, Sở Công Thương TP Hà Nội còn tuyên bố các siêu thị khuyến mãi tự do, không cần xin phép ai cả. Cái quan trọng là khuyến mãi phải trung thực. Cái quy định về diện tích cũng có phần vô lý. Giờ quy định trung tâm thương mại phải 10.000 m2. Vậy tôi có 9.000 m2, trang thiết bị, điều kiện… tốt hơn cả chỗ 10.000 m2 thì sao, có cấm không?

Tôi cho rằng dự thảo nghị định này là một bước thụt lùi của Bộ Công Thương!

Sẽ giết chết ngay doanh nghiệp nhỏ

.Giả sử nghị định này được ban hành, ông nhận định nó sẽ tác động thế nào đến DN và xã hội?

+ Chắc chắn nó sẽ giết chết ngay các DN nhỏ Việt Nam. Tình trạng này không khác gì những quy định về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… trước đây. Nó sẽ tạo ra thế độc quyền cho các ông lớn. Mà khi các DN nhỏ bán lẻ chết hết thì ngoài việc các ông lớn độc quyền, các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc càng dễ thâu tóm và chi phối thị trường.

. Vậy mà người ta cứ ban hành các loại quy định có tác dụng… bóp chết DN như vậy. Theo ông là vì sao?

+ Trước đây, có lần tôi đi họp ở Sở Thương mại, có vị lãnh đạo nói với tôi: “Anh Phú ơi, chắc người ta không còn việc gì để làm nên mới thế…”. Không chỉ trong lĩnh vực này, hầu hết lĩnh vực khác đều có những quy định như thế, tựa như việc đi xe máy thì vòng ngực phải bao nhiêu, tổ chức đám cưới thì tối đa bao nhiêu mâm, bao nhiêu khách.

Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công Thương đang gây phản ứng mạnh. Trong ảnh: Người tiêu dùng đang mua hàng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Tôi cho rằng những quy định xa rời thực tế như vậy là do không hỏi ý kiến dân, ý kiến DN. Các cơ quan có quyền ra văn bản nhưng chính sách ấy sẽ không đi vào cuộc sống.

. Nhưng nếu được ban hành thì nó là văn bản pháp quy đấy, thưa ông!

+ Nếu có ban hành thì nó là nghị định thôi. Nghị định là văn bản dưới luật. Vậy nó có thể vượt qua được Luật Thương mại, Luật DN, Luật Đầu tư… không? Tôi cho là hiện nay đã có nhiều văn bản điều chỉnh siêu thị rồi, thậm chí thừa, phải cắt đi.

Mặt khác, Chính phủ đang yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, cắt thủ tục để DN phát triển thế nhưng dự thảo nghị định này, tôi nghĩ không chừng lại “tiếp tay cho các ông lớn”.

Đừng quy định siêu thị phải có… toilet

. Không lẽ cả dự thảo chẳng có quy định nào hợp lý?

+ Có một quy định, đó là việc các siêu thị phải dành 30% gian hàng cho các DN nhỏ và vừa. Tôi ủng hộ vì có thể quy định này sẽ giúp các DN nhỏ vươn lên, cộng đồng DN Việt Nam có thể làm chủ được thị trường nhưng thực ra cũng không nên quá chi tiết.

Ngoài ra là các quy định khác, chẳng hạn quy định trong siêu thị phải có toilet. Không cần thiết, các DN khi thành lập siêu thị sẽ biết làm gì. Thật ra nếu Bộ muốn quy định về khoản nhà vệ sinh thì chỉ cần nói “đảm bảo các điều kiện tối thiểu” là đủ. Chứ quy định chi tiết như dự thảo thì lại thành “ôm rơm nặng bụng” và bị phản ứng.

. Tôi cho là Bộ Công Thương không hẳn là không hiểu những điều ấy. Họ là cơ quan có chức năng điều tiết thị trường và đảm bảo cạnh tranh.

+ Tôi cho là gốc rễ ở “tư duy ôm đồm”. Bộ Công Thương hiện có tới 13 đơn vị đầu mối, từ điện, nước, xăng dầu… Bộ cũng nên mạnh dạn bỏ ngay chế độ bộ chủ quản đi.

. Tức là có những việc quan trọng hơn là việc soạn thảo những quy định như trên? Theo ông, đó là những việc gì?

+ Thật ra không phải chỉ mình Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác cũng nên tập trung vào những việc quan trọng hơn. Chẳng hạn như tham mưu cho Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, giữa DN nhà nước và DN tư nhân, DN to và DN nhỏ. Cái đó mới quan trọng. Bởi trên thị trường đang tồn tại tình trạng cá lớn nuốt cá bé, anh nào có quan hệ là tuyệt vời, còn ông nào chưa có thì…

Mong muốn thì vậy nhưng tôi thấm thía cảnh này: Mình đề nghị các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường. Nhưng thực tế thì các nước nói: “Các ông cứ sửa nhà ông đi. Sửa đi rồi các ông không cần xin, chúng tôi cũng công nhận”.

. Xin cám ơn ông.

Bộ Công Thương xin tiếp thu ý kiến

Ngày 8-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hội, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, cho biết: Bộ Công Thương đề xuất xây dựng dự thảo nghị định này là dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định.

“Đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối” - ông Hội cho hay.

Ông Hội cam kết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị từ các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, DN… để hoàn thiện dự thảo nghị định

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm